Với sự nỗ lực quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân, thông qua việc huy động các nguồn lực lồng ghép, huyện Cái Nước đã đầu tư hơn 2.838 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện công tác an sinh xã hội để chăm lo đời sống nhân dân, trong đó có hơn 880 tỷ đồng do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp. Qua đó bộ mặt nông thôn huyện Cái Nước đã có nhiều thay đổi. Nổi bật là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường học, y tế; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người 41,4 triệu đồng/năm, tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 2010. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.
Xã Trần Thới thực hiện chủ trương xã hội hoá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để về đích nông thôn mới năm 2019
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương gặp phải nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới không đáp ứng yêu cầu, hàng năm vốn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới chỉ đầu tư nhỏ vọt cho các xã điểm, nên việc thực hiện các tiêu chí có liên quan đến kết cấu hạ tầng luôn bị động. Thứ hai, vai trò của cấp uỷ, chính quyền đôi lúc chưa quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, dẫn đến một số tiêu chí rớt chuẩn so với ban đầu. Thứ ba, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ ý lại vào sự đầu tư của nhà nước, chưa phát huy tích cực vai trò chủ thể của nhân dân. Từ đó chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa nhiều, chưa thật đồng bộ. Ông Huỳnh Hùng Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước thẳng thắn nhìn nhận.
Xã Phú Hưng phát động nhân dân đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất đa canh, nâng cao thu nhập, chung sức xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu
Huyện Cái Nước là vùng nội địa của tỉnh Cà Mau, việc xây dựng nông thôn mới được triển khai với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng nông thôn yếu kém, do vậy mà nhu cầu về vốn cho xây dựng nông thôn mới đòi hỏi rất lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước gặp khó khăn, nên nguồn vốn từ chương trình mục tiêu hỗ trợ cũng chỉ nhỏ vọt.
Ông Hà Ngọc Sáu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng trăn trở: Khi xây dựng đề án, theo hướng dẫn của cấp trên thì các xã tự xây dựng trên cơ sở phân chia các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo lộ trình đề ra. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, nguồn vốn hỗ trợ rất hạn chế, hầu hết các xã đạt chuận nông thôn mới chỉ được đầu tư thực hiện các tiêu chí về hạ tầng ở năm cuối theo kiểu nước rút để về đích, nên việc triển khai thực hiện rất khó khăn. Do thiếu vốn nên việc huy động sức dân để triển khai thực hiện các công trình cần vốn đầu tư lớn luôn gặp khó. Khi có vốn, thời gian không còn nhiều, việc triển khai thực hiện gây áp lực lớn cho địa phương.
Huyện Cái Nước đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ xây dựng hoàn thành 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng xã Phú Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới ở chuẩn nâng cao; đồng thời chỉ đạo xây dựng củng cố để các xã bình quân đạt 17,1 tiêu chí. Để thực hiện đạt mục tiêu này, huyện Cái Nước sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm trong cán bộ đảng viên và vai trò chủ thể của nhân dân; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành của cấp uỷ và chính quyền; tranh thủ mọi nguồn lực, đặc biệt là sức mạnh nội lực để tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với sự nỗ lực quyết tâm đó, huyện Cái Nước rất cần sự hỗ trợ của UBND tỉnh các Sở, Ngành tỉnh, Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh và Trung ương trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn đã qua./.