THANH NIÊN LÊ TRỌNG TÍNH KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI DẾ
Xã đoàn Lương Thế Trân tham quan nuôi dế của thanh niên Lê Trọng Tính
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2017 anh Tính về địa phương xây dựng cuộc sống gia đình với công việc bán hàng tại cửa hàng kinh doanh điện tử ở thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, bản thân anh không muốn dừng lại ở công việc hiện tại, từ đó anh lên mạng tìm hiểu những mô hình chăn nuôi ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập.
Qua tìm hiểu, anh nhận thấy mô hình nuôi dế khá phù hợp với điều kiện của bản thân, có thể vừa đi làm vừa kiếm thêm thu nhập. Từ đó, anh tìm mua trứng dế giống để thử nghiệm một chuồng nuôi; anh tận dụng lá chuối, rau lang, rau muống quanh nhà để làm thức ăn cho dế.
Do đây là mô hình mới ở địa phương nên không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, anh vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm trên các trang mạng; thời gian đầu kết quả không khả quan, số lượng dế bị hao hụt nhiều. Sau vài đợt nuôi, anh đã tích lũy được kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, cho ra nguồn dế thương phẩm đảm bảo cung ứng cho thị trường. Sau đó, anh tự mình đi chào hàng tại các cơ sở nuôi chim, cá cảnh, dụng cụ câu ở nhiều nơi trong và ngoài huyện để tìm đầu ra. Mô hình phát huy hiệu quả, đi vào ổn định, anh quyết định xin nghỉ bán hàng để tập trung phát triển mô hình.
Anh Lê Trọng Tính, ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, cho biết: “Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên, dễ nuôi, ít bị bệnh; chỉ cần đảm bảo chuồng nuôi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt và có lưới che để tránh thất thoát. Thức ăn cho dế chủ yếu là các loại thức ăn dùng cho chim cút, các loại rau tận dụng ở vườn nhà như: rau muống, rau lang, đọt mì. Dế sinh trưởng, phát triển nhanh trong thời gian ngắn, chỉ từ 30 đến 45 ngày là có thể thu hoạch dế thương phẩm”.
Chuồng nuôi dế thành phẩm, hiện dế xuất bán với giá dao động từ 80 đến 100 ngàn đồng/kg
Sau 5 năm thực hiện, anh Tính đã phát triển hơn 20 chuồng dế, với diện tích hơn 60 mét vuông, được nuôi xoay vòng từ giai đoạn ủ trứng, dế trưởng thành đến dế sinh sản. Trung bình mỗi ngày anh cung ứng từ 8 – 10 kg dế thương phẩm cho các cơ sở kinh doanh chim, cá cảnh trong và ngoài huyện. Với giá bán 80.000 đến 100.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh Tính có lãi trên 50%, cho thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng.
Anh Tính, chia sẻ: “Nghề nuôi dế rất dễ thực hiện, không cần nhiều vốn, thích hợp cho những thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, ở địa phương, dế chủ yếu được dùng làm mồi câu và thức ăn cho chim hoặc dùng để thuốc chuột nên thị trường không lớn. Ở một số nơi, dế còn được chế biến làm món ăn tại các nhà hàng, nếu có sự liên kết chặt chẻ thì đầu ra cho mô hình sẽ ổn định hơn”.
Không chỉ chăm lo làm kinh tế, anh Lê Trọng Tính còn là cán bộ Đoàn năng động, sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Đoàn, nhất là phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giống cho đoàn viên muốn lập nghiệp.
Xã đoàn Thạnh Phú, Phú Hưng vừa tổ chức tham quan và hỗ trợ thức ăn cho mô hình nuôi dế của thanh niên Lê Trọng Tính
Để phát huy phong trào, xã đòan Lương Thế Trấn tổ chức nhiều đợt tham quan mô hình, nhằm khuyến khích cho các bạn đoàn viên thanh niên trong xã học tập để nhân rộng. Chị Cao Hồng Nhi, Bí thư Xã đoàn Lương Thế Trân, chia sẻ: “Đã qua Xã đoàn Lương Thế Trân cũng đã tổ chức cho các bạn đoàn viên, thanh niên đến tham quan mô hình nuôi dế của đồng chí Tính. Qua đó, cũng khuyến khích cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã cũng học tập và thực hiện để mô hình này ngày càng phát triển hơn”.
Nuôi dế là mô hình chăn nuôi mới tại địa phương, nên từ kỹ thuật chăm sóc đến khâu tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên với sức trẻ, sự nhạy bén và kiên trì, thanh niên Lê Trọng Tính đã khởi nghiệp bước đầu thành công, trở thành tấm gương thanh niên năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương./.