Bà Lý Thị Lan mót những trái khổ qua rừng cuối vụ tặng cho hàng xóm
Tiếp chuyện với tôi, bà Lan chia sẻ: “Cái nghề của tôi như là cái nghiệp vậy. Là kỹ sư nông nghiệp mà thấy đất là mê lắm. Từ khi chuyển từ ngành nông nghiệp về Hội nông dân, nhiệm vụ chính là đi tuyên truyền, vận động quần chúng và hội viên nông dân trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tiềm năng của đất đai, không để vườn tạp, đất trống. Vì thế, khi về nghĩ hưu, tôi cũng chỉ muốn phát huy nghề làm vườn; hàng ngày cải tạo đất, trồng rau, sống cuộc sống an nhàn nơi thôn xóm”.
Vợ chồng bà Lan có hai người con, tất cả đều được ăn học hành thành tài, có công việc ổn định và lập gia đình riêng. Do đó, bản thân không còn nỗi lo công việc, con cái, an tâm dành hết khoảng thời gian hàng ngày để làm vườn, làm người nông dân thực thụ, dành hết tâm sức để hòa mình với thiên nhiên. Kể ra thì đơn giản, nhưng để có được thành quả như hiện có, bà Lý Thị Lan đã bỏ ra rất nhiều công sức để gầy dựng, chăm chút, tu bổ từng ngày mới có được vườn tượt sum xuê cây trái.
Dưới ao nước ngọt có đủ các loại cá như diêu hồng, cá trê, cá tai tượng,… ăn con nào câu con nấy, ai hỏi mua thì bắt lên bán, bán giá rẻ chủ yếu đủ chi phí để mua thức ăn nuôi cá.
Vận dụng kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn, bà Lan chủ độ lập kế hoạch làm vườn, từ đó khai phá đất trống, vườn tại, xử lý cỏ dại, hình thành mảnh vườn hơn 12.000 mét vuông thành từng khu riêng biệt để tiện chăm sóc. Cây gỗ khai phá được, bà dùng để cất căn nhà cấp 4 vừa cao ráo, mát mẻ, vừa cổ kính vừa hiện đại, thân thiện với môi trường. Hai bên nhà, một bên là vườn cây ăn trái, một bên là khu chăn nuôi với các loài gia cầm để tiện chăm sóc và bảo vệ rau màu. Trước nhà là khoảng sân rộng, bà dành để trồng các loại rau màu nguồn gốc từ Đà Lạt như cải cầu vồng, cải xà lách, cải kale,… Dọc theo hai bên đường vào nhà là hai hàng cây kiểng và các loài hoa đầy màu sắc. Nghe dễ nhưng làm lại rất khó, nhưng với bà Lan, đó là niềm vui và đam mê lúc về già. “Lúc về là bắt tay vô cải tạo, nào là làm cỏ, lên líp rồi ứng dụng những kiến thức trong nghề để trồng rau và bón phân cho hợp lý đảm bảo thực phẩm sạch. Động lực để cô làm là vì lo cho sức khỏe, thực phẩm mình tự trồng sẽ đảm bảo chất lượng, an toàn hơn để phục vụ cho bữa ăn gia đình, sau đó có nhiều thì chia sẻ cho bà con hàng xóm”. Cô Lý Thị Lan, cán bộ hưu trí ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, chia sẻ.
Toàn cảnh căn nhà cán bộ hưu trí Lý Thị Lan tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ
Tham quan vườn nhà bà Lan với cây trái xum xuê trĩu quả với hàng chục loại cây cho trái quanh năm; mùa mưa thì bà lên líp cao để trồng cải, đậu đũa, bí, bắp. Mùa nào cây nấy. Bà Lan cho biết, mùa tết vừa rồi, bà trồng khổ qua rừng trúng đậm, ngoài phục vụ bữa ăn, gia đình còn bán cho hàng xóm xung quanh, thu về hơn 6 triệu đồng. Dưới ao nước ngọt có đủ các loại cá như diêu hồng, cá trê, cá tai tượng,… ăn con nào câu con nấy, ai hỏi mua thì bắt lên bán, bán giá rẻ chủ yếu đủ chi phí để mua thức ăn nuôi cá.
Dẫn đoàn khách tham quan vườn, bà Lan phấn khởi vừa chỉ tay khoe những cành cây đang ra quả, mới thấy được niềm hạnh phúc với thành quả trong lao động. Thông qua lao động vừa là sở thích, vừa có thể góp phần với địa phương xây dựng được mô hình cải tạo vườn tạp trồng rau màu, truyền động lực cho chị em phụ nữ, những người lớn tuổi ở địa phương, nhằm tạo ra thực phẩm sạch cho gia đình.
“Ngôi nhà vườn” của bà Lý Thị Lan, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước đã dần trở thành mô hình mẫu ở ấp Rau Dừa xã Hưng Mỹ. Không ai nghĩ đây là căn nhà của một cán bộ hưu trí, chỉ trong vòng hơn 2 năm cải tạo, chăm sóc mà có được. Qua đó, đã tạo được sức lan tỏa về lối sống giản dị, gắn bó với thiên nhiên./.