ĐA DẠNG ĐỐI TƯỢNG NUÔI, PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THUỶ SẢN HIỆU QUẢ BỀN VỮNG
Mô hình nuôi tôm Siêu thâm canh, loại hình nuôi cho năng suất cao
Huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 30.262 ha. Năm 2024, chỉ tiêu sản lượng thuỷ sản tỉnh giao cho huyện Cái Nước là 48.500 tấn, trong đó sản lượng tôm 32.500 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2023. Để đạt chỉ tiêu sản lượng thuỷ sản theo kế hoạch và khai thác có hiệu quả việc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thủy sản hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tham mưu UBND huyện quy hoạch, đầu tư hạ tầng phát triển vùng nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm siêu thâm canh ổn định 1.100ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 29.200 ha, trong đó có 15.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nhân rộng diện tích lúa tôm 800 ha. Đối với loại hình nuôi kết hợp, phấn đấu duy trì và phát triển mô hình nuôi Sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm 3.500 ha và tôm cua kết hợp 28.000 ha. Ngoài ra, khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi kết hợp khác như cá chình, cá bống tượng, nuôi vọp, cá kèo và các loài thuỷ sản khác ở những nơi có điều kiện.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn của nông dân xã Phú Hưng, huyện Cái Nước
Ngoài các giải pháp chuyên môn về kỹ thuật, trước mắt ngành chuyên môn sẽ tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo Đề án phát triển nông nghiệp - thủy sản huyện Cái Nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với hai vùng sản xuất trọng điểm. Đó là vùng sản xuất lúa tôm, kết hợp với sản xuất đa cây, đa con thuộc các xã thuộc tiểu vùng II và tiểu vùng III Nam Cà Mau, gồm xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ; đây là vùng sản xuất được đầu tư hệ thống thuỷ lợi khép kín khá hoàn chỉnh, chủ động được khâu ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo cho sản xuất lúa tôm kết hợp. Đối với các xã, thị trấn còn lại sẽ bố trí sản xuất chuyên tôm, cua kết hợp nuôi sò huyết, nhằm tạo sinh kế cho nhân dân phát triển sản xuất bền vững. Ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết.
Đi đôi với việc triển khai, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng, hướng dẫn lịch thời vụ, hỗ trợ nhân dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, nhằm giảm giá thành nguyên liệu đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm; vấn đề đặt ra là ngành chuyên môn và các xã thị trấn phải chủ động nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thuộc về thế mạnh của địa phương. Trong đó có mộ hình sản xuất lúa tôm kết hợp, đã được nông dân vùng sản xuất lúa tôm trọng điểm của huyện thực hiện thành công năm 2023.
Nằm trong tiểu vùng II Nam Cà Mau, năm 2023 nông dân xã Thạnh Phú thực hiện thành công mô hình lúa tôm kết hợp với năng suất lúa đạt hơn 5 tấn/ha
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết: Phát huy lợi thế của tiểu vùng II và tiểu vùng III Nam Cà Mau, năm 2024 huyện Cái Nước sẽ chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất lúa – tôm, kết hợp với phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi theo hai hệ sinh thái mặn ngọt; xem đây là hướng sản xuất chủ lực, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, đặc biệt là hai xã Thạnh Phú và Phú Hưng.
Cống tiểu vùng II Nam Cà Mau trên địa bàn xã Thạnh Phú, giúp ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất thành công mô hình lúa tôm kết hợp
Hiện nay, các tiểu vùng thuỷ lợi Nam Cà Mau trên địa bàn huyện Cái Nước như tiểu vùng II, tiểu vùng III ở các xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và xã Hoà Mỹ đã được vận hành và phát huy khá tốt; giúp nông dân chủ động trong khâu ngăn mặn, giữ ngọt; sản xuất thành công và hiệu quả vụ lúa trên đất nuôi tôm, kết hợp nuôi tôm càng xanh, nuôi cua, nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, sản xuất lúa chất lượng cao; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Đối với vùng sản xuất chuyên tôm, sẽ hướng dẫn, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi tôm thâm canh si phong đáy; nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, 3 giai đoạn.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đạt sản lượng 48.500 tấn thuỷ sản năm 2024, đi đôi với bố trí, quy hoạch vùng sản xuất, huyện Cái Nước sẽ đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ vốn cho nông dân để nhân rộng những mô hình mới, đột phá, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng cây trồng vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích canh tác; hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững./.