Nằm giáp ranh với huyện Năm Căn, tuyến sông Cái Nước - Đầm Cùng tách đôi xã Trần Thới thành 2 khu vực, 6 ấp phía Đông và 6 ấp phía Tây. Với lộ trình xây dựng NTM hợp lý, hứa hẹn nhiều kết quả tích cực bởi 2 tiêu chí được cho là khó nhất (hộ nghèo và GTNT) đã được Trần Thới làm rất tốt. Tuy nhiên, sạt lở khiến người dân hoang mang, địa phương lo lắng khi những tuyến lộ mới lẫn cũ lần lượt bị nhấn chìm.
Tất bật di dời lộ cũ
Từ nhiều năm trước, khi một số địa phương khác còn khó khăn trong việc đi lại thì Trần Thới đã được đầu tư mỗi năm gần 10.000 m lộ. Nhờ vậy, đến nay toàn xã có tới 90.000 m lộ được xây dựng, gần như phủ kín, tạo thuận lợi cho bà con đi lại lẫn giao thương. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thới Liêu Chí Thu cho biết: “Tốc độ phát triển lộ GTNT của địa phương nhanh hơn so với các xã khác, nhưng những năm gần đây, sạt lở đã làm ảnh hưởng nhiều tuyến lộ và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, khó có thể phục hồi được. Nhất là khu vực 6 ấp ở phía Đông đang chịu ảnh hưởng bởi triều cường dâng cao gây ngập và sạt nhiều đoạn dài”.
Tuyến kinh xáng Đông Hưng trải dài qua ấp Mỹ Tân và một phần ấp Mỹ Đông là khu vực gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi sạt lở. Tính riêng từ tháng 6/2018 đến nay đã xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 1.600 m, có những đoạn bị lấn sâu vào đất 5-6 m. Ông Phạm Văn Tám, ấp Mỹ Tân, chỉ tay về con lộ trước nhà lo lắng: “Lúc trước ngoài mé lộ còn khoảng 4-5 m, còn tận dụng đất trồng bắp, trồng rau ăn được, giờ lở sâu vô gần nửa lộ rồi. Nhìn thấy vậy thôi chứ phía dưới rỗng hết rồi”.
Theo ghi nhận của địa phương, hiện tượng sạt lở bắt đầu có dấu hiệu năm 2014, nhưng do còn bãi, lở chưa sâu, năm nay đã bắt đầu báo động. Đơn cử, mới 2-3 tuần trước trên địa bàn ấp Mỹ Tân có 2-3 đoạn lộ 2 m sạt toàn bộ xuống sông, dân phải mướn xáng kéo lên, rồi vận động bà con, thanh niên đắp lại.
Ông Trương Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Tân, bộc bạch: “Triều cường mỗi năm lại cao hơn, còn lộ xuống cấp dần. Hiện nay đang vận động người dân lộ nào bị tràn, bể, đưa xáng vô hợp đồng nâng lên, rồi lấy đal dời lên, dân tự vận động nhau làm được 2 tuyến khoảng 5.000 m rồi”.
Vốn đầu tư rót chậm
Toàn ấp Mỹ Tân có 2 tuyến lộ, tuyến thứ nhất rộng 1,5 m, dài 3.000 m (xây dựng năm 2011) nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Tuyến lộ thứ hai rộng 2 m đầu tư năm 2014 với chiều dài 2.000 m nhưng đã sạt lở quá nhiều. Chỉ tay về phía đoạn lộ mới di dời, ông Thông thông tin thêm: “Chỗ này đã lở vô sâu 5-6 m. Ban đêm nước ròng sát nên dễ sạt lở. Lộ thì ngập lé đé do mưa nhiều, nhiều đoạn đang có nguy cơ sạt lở cao. Đoạn này đã sạt, mọi người kéo vô rồi đó. Còn nhiều chỗ khác nguy hiểm lắm. Dù dân ý thức cao, tự sửa chữa nhưng vẫn rất khó đảm bảo”.
Không những chịu ảnh hưởng sạt lở mà việc triều cường dâng cao, mặt bằng thấp, mưa lại gây ngập cục bộ đã khiến nhiều tuyến lộ vốn đã cũ càng nhanh chóng xuống cấp, hư hại. Được biết, trong số 90.000 m lộ của toàn xã, hiện đã có khoảng 50% trong tình trạng xuống cấp, cần đầu tư sửa chữa. Đây là những tuyến đường trục liên ấp, lộ 1,5 m, vượt quá khả năng của người dân và địa phương. Dù chính quyền địa phương đã báo cáo, kiến nghị về tỉnh, huyện nhiều năm nhưng được trả lời chưa có dự án, chưa có vốn nên không triển khai được.
Song song đó, khó khăn về vốn khiến những tuyến đường mới xây dựng cũng đành bỏ dở. Xã dự kiến xây dựng lộ 3 m, dài 4.000 m trên tuyến Bản Đá (ấp Bình Thành) nhưng vốn chậm khiến tuyến đường chỉ được 1.500 m (năm 2017) rồi nằm chờ vốn đến nay. Chủ trương đầu tư thay đổi, năm rồi vốn Nhà nước 100%, dân chỉ hiến đất và làm lộ đất đen, năm nay cũng cùng trên một tuyến, dân phải đóng góp 20% nên 28 hộ dân trên tuyến chưa thống nhất, khiến tiến độ chậm theo.
Ông Thu trăn trở: “Hiện nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí NTM. Theo chỉ tiêu, năm 2018 địa phương được rót vốn 400 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nên nhiều công trình giao thông kéo theo chậm tiến độ, nhất là những tuyến lộ 3-3,5 m để đạt chuẩn./.