Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Thạnh Phú cũng đã chủ động quy hoạch lại sản xuất, xác định những đối tượng nuôi chủ lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để Nhân dân sản xuất đạt hiệu quả, thích ứng với điều kiện phát triển mới.
Ông Lâm Việt Triều, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế và điều kiện tự nhiên của địa phương, xã Thạnh Phú xác định ba đối tượng nuôi chủ lực đó là: Tôm, Cua và Cá chình, cá bống tượng. Từ hướng đi này, xã Thạnh Phú đã tiến hành quy hoạch, từng bước phá thế độc canh con tôm, chuyển nuôi tôm quảng canh truyền thống sang đa dạng các đối tượng cây trồng vật nuôi theo hướng đa canh đem lại hiệu quả cao và bền vững như nuôi tôm quảng canh cải tiến, mô hình tôm cua và lúa tôm kết hợp; nuôi cá chình, cá bống tượng kết hợp trồng rau màu. Xem đây là hướng đi chủ đạo để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đ/c Lý Hùng Kiến, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Cái Nước (người đứng giữa) kiểm tra mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp tại ấp Sở Tại
Thông qua công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đến nay xã Thạnh Phú có hơn 1.000 ha đất sản xuất được Nhân dân áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, hơn 110 ha nuôi tôm công nghiệp, 34 ha mặt nước mương vườn được tận dụng để nuôi cá chình và cá bống tượng, gần 40 ha vườn tạp được bà con cải tạo trồng rau màu xen canh cho thu nhập thường xuyên. Hầu hết diện tích nuôi tôm, kể cả nuôi tôm quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến đều được bà con nuôi cua kết hợp. Từ đó hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác được phát huy.
Không chỉ đa dạng các đối tượng nuôi thuỷ sản, xã Thạnh Phú còn là một trong hai xã trọng điểm của huyện duy trì thực hiện khá tốt mô hình lúa tôm kết hợp. Trong những năm qua, mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng một bộ phận nông dân xã Thạnh Phú vẫn nỗ lực duy trì mô hình sản xuất luân canh lúa tôm kết hợp. Điển hình như nông dân Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại không chỉ duy trì có hiệu qủa vụ lúa trên đất nuôi tôm, mà còn thực hiện thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, mở ra hướng sản xuất mới cho nhân dân trong khu vực. Từ hiệu quả mô hình sản xuất lúa tôm của ông Mai Văn Quốc, đã khích lệ nông dân trên địa bàn nỗ lực duy trì việc canh tác một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Vụ mùa năm 2017, cùng với xã Phú Hưng, xã Thạnh Phú có 205 hộ dân gieo cấy hơn 243 ha lúa trên đất nuôi tôm, riêng ấp Trần Độ gieo sạ được 125 ha.
Ông Trương Minh Luân, Trưởng ấp Trần Độ phấn khởi nói: Qua phát động của Chi bộ và Ban Nhân dân, ngay từ đầu vụ, bà con đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sản xuất một vụ lúa. Theo ông Luân, để thực hiện thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay là việc làm không dễ. Tuy nhiên, thực hiện đã chứng minh đây là mô hình sản xuất có hiệu quả và mang tính bền vững cao, nên xã Thạnh Phú kiên trì nỗ lực trong chỉ đạo. Để thực hiện mô hình này, trước tiên cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đóng vai trò nồng cốt. Bằng chứng là Chi bộ ấp Trần Độ có 30 đảng viên, năm nay có 25 đảng viên trong vùng quy hoạch đã thực hiện được vụ lúa.
Trà lúa một tháng tuổi của xã Thạnh Phú
Vận dụng kiến thức đã học áp dụng vào thực tế, Anh Nguyễn Hải Sâm, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Phú đã thuê cơ giới đào đấp bờ bao, đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt 1,8 ha đất sản xuất của gia đình để thực hiện mô hình lúa tôm kết hợp. Vụ mùa năm nay, anh còn chuẩn bị thêm một ao tích trữ nước ngọt để phòng khi nắng hạn cục bộ, đồng thời chủ động dèo 10.000 con tôm hầm đất để thả ra ruộng lúa. Hiện tại, trà lúa của anh được một tháng tuổi, cây lúa phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Ông Lâm Việt Triều, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú phấn khởi cho rằng: Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2017 đến thời điểm này, xã Thạnh Phú đã thực hiện thành công bước đầu. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như năm nay, nông dân xã Thạnh tin tưởng rằng mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp sẽ thành công. Đảng uỷ, UBND xã sẽ nỗ lực chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, vận động Nhân dân gia cố bờ bao để ngăn mặn và chống tràn, gắn với bơm tát nước để chống ngập úng khi thời tiết có mưa lớn; quyết tâm bảo vệ bằng được vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Đi đôi với chỉ đạo bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ vụ lúa trên đất nuôi tôm, xã Thạnh Phú tiếp tục quan tâm củng cố các tổ chức sản xuất, nhằm tạo sự liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất của nông dân, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả thuộc về thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó xây dựng vùng nuôi an toàn và bền vững, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; xem đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng hàng đầu, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, tạo nền tảng vững chắc tiến tới xây dựng xã nông thôn mới./.