XÃ LƯƠNG THẾ TRÂN CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN
Theo thống kê, đến cuối năm 2017, xã Lương Thế Trân có 1.614 hộ khá giàu, chiếm tỷ lệ 66,2%; tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm 9,92%. Thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm, tăng hơn hai triệu đồng so với năm 2016. Để Nhân dân ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, xã Lương Thế Trân chỉ đạo đoàn thể, tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân duy trì nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả; kết hợp với các ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy, truyền nghề cho Nhân dân; khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình làm hiệu quả, đa dạng cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao nguồn thu nhập.
Thông qua mô hình sản xuất đa canh, đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ ông Trần Văn Sách ở ấp Trung Hưng, với 15 công đất, ông nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với cua thương phẩm; bờ bao vuông nuôi tôm, liếp vườn trồng rau màu, cây ăn trái, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hàng năm, gia đình có thu nhập gần 150 triệu đồng.
Ông Trần Văn Sách ở ấp Trung Hưng xã Lương Thế Trân nói: ''Cái hay của mô hình sản xuất đa là giúp người dân tận dụng triệt để diện tích đất trống quanh nhà và đa dạng nguồn thu nhập. Tùy theo mùa, tôi bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhờ vậy sản xuất đạt hiệu quả''.
Nhằm phát huy thế mạnh kinh tế địa phương, xã Lương Thế Trân chú trọng phát triển diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp với nuôi cua và cá; những hộ có điều kiện nằm trong vùng quy hoạch sẽ tạo điều kiện cho bà con thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh; tăng cường hợp tác, kêu gọi, tạo điều kiện cho các công ty, xí nghiệp đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, quan tâm củng cố, xây dựng và phát triển loại hình kinh tế hợp tác. Đến nay, xã Lương Thế Trân thành lập được 19 tổ hợp tác với 192 thành viên. Các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, hàng năm lợi nhuận gần 3 tỷ đồng. Điển hình như tổ hợp tác nuôi gà nòi lai có sử dụng đệm lót sinh học ở ấp Năm Đảm, mỗi năm các thành viên trong tổ hợp tác có thu nhập từ 100- 130 triệu đồng. Nhờ nuôi gà theo quy trình khép kín, giống gà chất lượng nên tổ hợp tác này ngày càng ăn nên làm ra, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động.
Ông Phan Tấn Phong, Tổ Trưởng tổ hợp tác nuôi gà nòi lai sử dụng đệm lót sinh học ấp Năm Đảm xã Lương Thế Trân chia sẻ: '' Theo tôi để nuôi gà thành công gồm có 5 bước. Thứ nhất là chọn giống, bước hai có máy úm gà con, bước ba tiêm phòng vắc sin cho gia cầm theo đúng định kỳ, bước thứ tư phải xây dựng chuồng trại cao ráo, đảm bảo giữ ấm cho gia cầm mùa lạnh, thoáng mát mùa nóng, cuối cùng là khâu tìm đầu ra ổn định''.
Kinh tế hộ gia đình phát triển, Nhân dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, góp phần hoàn thiện hệ thông giao thông trên địa bàn, tạo thuận tiện trong việc đi lại và giao lưu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Ông Lê Văn Hai, Phó Chủ tịch xã Lương Thế Trân cho biết: ''Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên xã Lương Thế Trân đã và đang bức phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Từ đó, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân duy trì những mô hình làm ăn có hiệu quả, củng cố, nâng chất các tổ hợp tác sản xuất và vận động các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn giải quyết việc làm cho lao động địa phương''.
Thực tế cho thấy, để người dân nâng cao thu nhập, bên cạnh vận động họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc tìm thị trường để giải quyết bài toán tìm đầu ra nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá như đã qua./.