Hiện nay trên địa bàn huyện Cái Nước có trên 2.000ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, hiện có hơn 800ha đang được bà con nông dân thả nuôi, trong đó có khoảng 50% diện tích tôm sú và số còn lại là tôm thẻ chân trắng. Điều đáng phấn khởi, thời gian qua nhiều thương lái thu mua tôm nguyên liệu, tìm đến ao đầm tôm sú công nghiệp đến kỳ thu hoạch, để thu mua theo hình thức tôm sống giá cao hơn so với tôm ướp đá từ 40 đến 50 ngàn đồng/kg.
Để đảm bảo tôm khỏe mạnh, khi thu hoạch quạt tạo ô xy phải hoạt động liên tục
Để lý giải về đầu ra tôm ô xy, thương lái Nguyễn Việt Khoa ấp Lộ Xe, xã Phú Hưng cho biết: hiện mặt hàng tôm sú tươi sống được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ chủ yếu thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Bởi hiện nay đối với các mặt hàng thủy sản trong đó có tôm sú, khi còn sống mang đi chế biến bất kỳ món ăn nào cũng ngon, còn khi ướp đá chất lượng bị giảm xuống đáng kể, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng mặt hàng này. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Khoa cũng như nhiều thương lái thu mua tôm nguyên liệu ở huyện Cái Nước, đầu tư võ máy có công suất lớn và trang bị hệ thống máy ô xy, để thu mua tôm sú sống vận chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Tuy nhiên, khâu thu hoạch tôm sú sống cũng mất rất khá nhiều thời gian, công sức và chi phí so với tôm ướp đá. Cụ thể: trước khi tiến hành thu hoạch đầm tôm sú công nghiệp để bán cho thị trường tôm ô xy, được thương lái chuẩn bị khá kỹ càng và được thực hiện gần giống như một dây chuyền chế biến thủy sản. Công đoạn đầu tiên là ngay sau khi tôm được thu hoạch tôm dưới đầm mang lên sẽ tiến hành cân tính trọng lượng, kế tiếp cho tôm vào bể nước bằng nhựa có hệ thống ô xy giúp tôm phục hồi sức khỏe, công đoạn tiếp theo chuyển tôm lên chiếc bàn bằng nhôm có kích thước khoảng 3m2 để phân cở ngay tại đầm tôm công nghiệp và đóng thành từng sọt hình tròn được làm bằng lưới có trọng lượng từ 07 đến 10kg. Công đoạn cuối cùng là cho các sọt tôm vào phi nhựa tiếp tục chạy ô xy kết hợp với dùng nước đá hạ nhiệt độ, rồi vận chuyển ra quốc lộ 1A và đưa lên xe tải lên thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Hoàng (giữa), ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ sản xuất đạt hiệu quả cao nhờ bán tôm ô xy
Theo tính toán của bà con nông dân, nếu thu hoạch bán được tôm ô xy, lợi nhuận sẽ tăng thêm ít nhất từ 40 đến 50 triệu đồng/tấn so với bán theo hình thức ướp đá, trung bình một đầm tôm sú công nghiệp có diện tích 1.600m2 cho thu hoạch 1,5 tấn tôm sú nguyên liệu, mức thu nhập tăng lên thêm ít nhất là 60 triệu đồng/đầm tôm, đây là một khoảng tiền không nhỏ đối với bà con nông dân.
Để thương lái chấp nhận thu mua theo hình thức tôm ô xy xem ra không đơn giản. Ông Phạm Văn Hoàng, ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, là người có thân niên nuôi tôm sú công nghiệp và thường xuyên bán tôm ô xy cho biết: trước khi muốn bán mặt hàng tôm ô xy phải cho thương lái đến tậng ao đầm kiểm tra, như: tôm nuôi không có dấu hiệu bị mắc bệnh, tôm khỏe mạnh, màu sắc bình thường, không bị đen mang, đóng rong và các bộ phận trên cơ thể tôm phải còn nguyên vẹn không bị dị tật, khi ấy thương lái mới chấp nhận mua theo hình tôm ô xy với giá cao. Còn ngược lại, tôm có vấn đế không bình thường sẽ bị từ chối không mua, người nuôi phải chuyển sang bán tôm theo hình thức ướp đá với giá thấp hơn. Vì vậy, đòi hỏi người nuôi tôm phải có kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm tôm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tôm ô xy đang khởi sắc như hiện nay.
Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm trưởng Trạm khuyến nông huyện Cái Nước cho biết: để tôm nuôi đạt chất lượng cao và sạch bệnh, bà con nông cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống sạch bệnh thả nuôi, cho đến khâu chăm sóc và quản lý. Đặc biệt, phải thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước trong ao đầm, giúp tôm tăng sức đề kháng để phát triển nhanh và hạn chế dịch bệnh, chất lượng tôm nuôi sẽ tăng lên đáp ứng nhu cầu thị trường tôm ô xy.
Tôm ô xy được thương lái vận chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ
Cũng theo thương lái cho biết, đầu ra tôm sú ô xy mạnh nhất từ tháng 10 đến cuối tháng 4 âm lịch hàng năm, do vào thời điểm này trùng vào các dịp lễ tết, sức mua trên thị trường tăng lên giá cũng tăng theo. Các tháng còn lại sức mua giảm, cộng với thời điểm mùa mưa độ nặm trong ao đầm thường xuyên hạ thấp, không thuận lợi cho khâu vận chuyển nên đầu ra tôm ô xy cũng bị hạng chế.
Như vậy, đầu ra tôm sú nguyên liệu hiện nay trên thị trường có hai hình thức, ngoài việc tiêu thụ theo hình thức tôm ướp đá nay còn được thương lái thu mua theo hình tôm sú sống hay còn gọi là tôm ô xy, đã giúp cho bà con nông dân có thêm sự lựa chọn hình thức có lợi nhất khi lên hầm xuất bán. Tuy nhiên; để thương lái chấp nhận mua tôm ôxy, người nuôi tôm không chỉ nắm vững quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm tôm nguyên chất lượng, mà còn phải biết bố trí mùa vụ thả tôm nuôi hợp lý, để thu hoạch đúng vào thời điểm nhu cầu thị trường tôm ô xy, như thế sẽ bán được với giá cao và tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm./.