Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Nguyễn Văn Rỡ cho biết: “Trước đây khu vực này theo quy hoạch vùng là tôm - lúa nhưng sản xuất không hiệu quả, sau đổi lại thành vùng giữ ngọt, hơn 60 hộ dân chuyển sang trồng bồn bồn trên diện tích hơn 50 ha”.
Đổi đời nhờ bồn bồn
Từ tờ mờ sáng gia đình chị Nguyễn Mỹ Liêm, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, đã kéo nhau ra cánh đồng sau nhà để nhổ bồn bồn. Phải ngụp lặn trên cánh đồng mênh mông nước nhưng gương mặt chị lúc nào cũng tươi cười, phấn chấn, bởi cây bồn bồn đã và đang đem về cho gia đình chị nguồn thu nhập ổn định, hơn 70 triệu đồng/năm.
Ngoài tận dụng lao động trong gia đình, người trồng bồn bồn tại xã Tân Hưng Đông còn thuê người nhổ, cắt hoặc đứng bán bồn bồn. Ảnh: HOÀNG DIỆU
Chị Nguyễn Mỹ Liêm chia sẻ: “Gia đình có hơn 5 công đất, trước đây nuôi tôm không hiệu quả, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Từ khi chuyển qua trồng bồn bồn thì thu nhập ổn định hơn, do đầu ra ổn định, giá bán cao. Ruộng mình vừa trồng bồn bồn vừa thả cá nuôi xen, tính ra mỗi năm thu về vài chục triệu đồng”.
Khi cây bồn bồn phát triển mạnh thì đời sống kinh tế của người dân nơi đây ngày được cải thiện, nhiều hộ đã thoát được nghèo nhờ cây bồn bồn.
Bà Trần Thị Thu, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông đang làm dưa bồn bồn. Ảnh: HD
Ông Nguyễn Văn Rỡ phấn khởi cho biết, xã Tân Hưng Đông trước đây tỷ lệ hộ nghèo khá cao, cây bồn bồn đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Việc trồng bồn bồn rất phù hợp với những hộ có ít đất sản xuất do không đòi hỏi diện tích lớn, chi phí thì hầu như là lấy công làm lời.
“Trồng bồn bồn, bà con còn tận dụng được hết nguồn lao động trong gia đình tham gia vào quá trình sản xuất. Người không có đất sản xuất có thể được các hộ khác thuê nhổ bồn bồn hoặc thuê đứng bán nên thu nhập cũng ổn định”, ông Rỡ thông tin.
Chị Nguyễn Mỹ Liêm nói: “Bồn bồn rất dễ trồng, không cần diện tích đất lớn. Bồn bồn có thể thu hoạch nhiều lần trong năm nhưng phát triển tốt nhất là khi bắt đầu mùa mưa, vào khoảng tháng 5. Hiện giá bán bồn bồn tươi từ 30.000-35.000 đồng/kg, nếu làm dưa giá có thể lên từ 45.000-50.000 đồng/kg”.
Tự hào thương hiệu bồn bồn
Giá trị kinh tế không ngừng được nâng lên, diện tích trồng bồn bồn trên địa bàn xã Tân Hưng Đông không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, lúc đầu người dân chỉ bán cho thương lái đến thu mua tại chỗ hoặc bán bồn bồn tươi và dưa dọc theo tuyến Quốc lộ 1 với giá cả không ổn định.
Bàn tiệc với 9 món ăn làm từ bồn bồn rất hấp dẫn. Ảnh: HD
Đứng trước nhu cầu nâng cao giá trị cây bồn bồn cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chính quyền xã Tân Hưng Đông đã tích cực vận động cũng như tạo mọi điều kiện để Hợp tác xã (HTX) Bồn bồn Đông Hưng được thành lập và phát triển ổn định, mang lại niềm tin về sự phát triển mạnh mẽ của cây bồn bồn.
Ông Đặng Việt Hưng, Phó giám đốc HTX Bồn bồn Đông Hưng, cho biết, hiện HTX có 30 xã viên, với diện tích trồng bồn bồn là 30 ha. Xã viên cung cấp bồn bồn tươi cho HTX có giá ổn định và cao hơn giá thị trường. Hơn nữa, xã viên được chia lợi nhuận từ kinh doanh theo phần trăm cổ phần.
“Nhằm phát triển cũng như tìm đầu ra ổn định cho cây bồn bồn, hiện HTX đã thành lập được 2 văn phòng đại điện tại TP Cà Mau và huyện Cái Nước. Ngoài ra, còn các đầu mối tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, cũng như thành lập các đại lý ở các huyện trên địa bàn tỉnh, với mong muốn đưa sản phẩm bồn bồn tiếp cận thị trường trong nước và tương lai là tiến tới xuất khẩu”, ông Đặng Việt Hưng phấn khởi chia sẻ.
Hiện tại cây bồn bồn đã được nhiều người biết đến thông qua nhiều kênh như bán lẻ và cả khách du lịch.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm bồn bồn và là chủ quán, điểm dừng chân tại huyện Cái Nước phục vụ du khách khi muốn thưởng thức món đặc sản bồn bồn, bà Trần Thị Thu, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm dưa bồn bồn nhưng giờ đây cây bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: kim chi bồn bồn; bồn bồn có thể làm gỏi với tôm khô, tôm tươi, gà, heo, mực, vọp; bồn bồn hầm với đuôi và giò heo, bồn bồn nhúng lẩu, đổ bánh xèo… Quán có thể thực hiện bàn tiệc với 9 món ăn từ bồn bồn. Du khách của nhiều nước Hàn Quốc, Đài Loan, Canada… từng ghé qua và thưởng thức và họ đều tỏ vẻ thích thú khi thưởng thức các món ăn làm từ bồn bồn”.
Từ năm 2015, tỉnh Cà Mau đã xúc tiến việc đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để được công nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm cây bồn bồn Cái Nước. Bồn bồn được công nhận nhãn hiệu tập thể là niềm vui lớn không chỉ cho người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Rỡ cho biết: “Mong muốn của chính quyền địa phương là sau khi được công nhận thương hiệu, cây bồn bồn của địa phương sẽ mở rộng thị trường, ngày càng nâng cao về giá trị, tiếp tục giúp Nhân dân xã nhà có cuộc sống đi lên. Xã có định hướng thời gian tới mở rộng thêm 20 ha bồn bồn. Địa phương mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm mạnh mẽ hơn. Chúng tôi cố gắng phối hợp, tham gia các sự kiện trưng bày sản phẩm để cây bồn bồn vươn xa hơn trong thời gian tới”
Cây bồn bồn vốn rất dễ trồng và thích nghi với môi trường ngập nước, đất trũng phèn. Trước đây bồn bồn chỉ mọc hoang trên các đồng ruộng trũng phèn, trong ao, đìa hoặc cặp mé sông. Ít ai ngờ loại cây mà trước đây chẳng ai thèm trồng và từng than khổ khi phá bỏ trong quá trình khai hoang để trồng lúa giờ đây trở thành loại cây giảm nghèo.
Từ tháng 12/2015 đến 12/2017, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ trì thực hiện Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm cây bồn bồn Cái Nước - Cà Mau. Ngày 30/6/2016, đơn đăng ký nhãn hiệu hoàn tất và được nộp về Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sản phẩm cây bồn bồn Cái Nước được cấp theo Quyết định số: 21801/QD-SHTT, ngày 10/4/2017. Lễ trao giấy chứng nhận sẽ được tổ chức tại ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông vào ngày 4/8/2017.
|