THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ MỚI, KHÓ KHĂN THÁCH THỨC TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Tỷ lệ đường ấp và đường liên ấp ít nhất đường cứng hoá từ bằng hoặc cao hơn 90%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm là khó khăn lớn nhất đối với các địa phương
Qua rà soát kết quả xây dựng nông thôn mới theo theo Quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến nay huyện Cái Nước bình quân mỗi xã chỉ đạt 13,7 tiêu chí; hầu hết các xã đều rớt chuẩn ở một hoặc một vài tiêu chí, trong đó nhiều nhất là tiêu chí giao thông.
Cụ thể, theo bộ tiêu chí mới, tất cả 06 xã nông thôn mới của huyện Cái Nước đều rớt chuẩn. Điển hình như xã Phú Hưng, xã nông thôn mới đầu tiên của huyện được công nhận vào năm 2025, xã Phú Hưng chỉ đạt 12/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới. Xã Trần Thới được công nhận năm 2020, hiện chỉ đạt 16/19 tiêu chí. Xã Đông Thới được công nhận xã nông thôn mới năm 2021 cũng đã rớt 02 tiêu chí. Hầu hết các xã đều rớt tiêu chí về Giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hoá và thu nhập,… đây là những tiêu chí khó thực hiện do phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư, các địa phương không đủ nguồn lực và khó huy động để thực hiện, nhất là các xã có xuất phát điểm thấp.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cái Nước cho biết, thực tiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu năm đến nay, mặc dù huyện Cái Nước có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, vận động và huy động tất cả các nguồn lực nhưng chỉ đầu tư được hơn 82 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn Ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư theo Chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ có 12,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15% trong tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn do dân đóng góp, vốn tín dụng và vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác.
Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn chỉ ưu tiên cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới, nên tiêu chí giao thông ở các xã chuyển biến chậm
Do nguồn vốn hạn hẹp, nên huyện chỉ tập trung ưu tiên đầu tư cho xã điểm và những công trình bức xúc cho một số địa phương, chủ yếu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện và thiết chế văn hóa, nên việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới chuyển biến còn chậm so với kế hoạch. Các xã chưa nằm trong kế hoạch theo lộ trình trong năm hiện tại và năm liền kề, việc xây dựng nông thôn mới chỉ dừng lại ở việc chỉ đạo vận động thực hiện và nâng chất các tiêu chí thuộc về nhân dân như tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm, Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, các tiêu chí nhỏ trong tiêu chí Y tế và thu nhập,...
Rõ ràng, trong điều kiện nguồn lực ở địa phương hạn hẹp, vốn do ngân sách nhà nước đầu tư không nhiều, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành là một khó khăn, thách thức đối với các địa phương.
Mức thu nhập bình quân đầu người đối với xã nông thôn mới năm 2022 là 53 triệu đồng, đến năm 2025 là 62 triệu đồng, đây là thách thức không nhỏ đối với các địa phương có xuất phát điểm thấp
Theo bộ tiêu chí mới, hầu hết các tiêu chí đều đòi hỏi phải đạt ở chuẩn cao hơn rất nhiều so với trước đây. Cho nên muốn đạt được mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn do chương trình nông thôn mới mang lại; ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của nhà nước, đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương phải nỗ lực quyết tâm nhiều hơn nữa trong suy nghĩ và hành động. Có như thế mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra./.