Huyện Cái Nước có hệ thống thuỷ lợi dày đặc thông ra các sông Bảy Háp và các tuyến sông lớn, tổng chiều dài hệ thống thuỷ lợi hơn 1.100 km, trong đó có 15 trục kênh cấp I chiều dài 300 km, 111 kênh cấp II chiều dài hơn 368 km, 87 tuyến kênh cấp III dài 327 km, còn lại là kênh nội đồng. Do địa bàn tiếp giáp với các sông lớn và chịu sự tác động của cả 2 chế độ triều biển Đông và biển Tây, nên dòng chảy của các tuyến sông và kênh rạch ở huyện Cái Nước khá phức tạp, hình thành nhiều khu vực giao nhau, ảnh hưởng lớn đến khả năng cấp thoát nước, làm cho lòng sông mau bồi lắng, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là trong nuôi trồng thuỷ sản.
Tuyến kênh xáng Cái Nước-Giá Ngự đi qua địa bàn xã Đông Hưng, Đông Thới và thị trấn Cái Nước được nạo vét khơi thông dòng chảy kết hợp với chống tràn
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, do phù sa mau bồi lắng, nên các tuyến sông và kênh rạch ở huyện Cái Nước, nhất là kênh cấp III và kênh nội đồng, sau ba năm phù sa sẽ làm cho lòng sông bị cạn không đảm bảo cung cấp nước nếu không được nạo vét lại. Trong khi đó, ngân sách của nhà nước có hạn không đảm bảo cho việc đầu tư nạo vét, nên những năm trước đây, trong những tháng mùa khô, khi triều cường xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch ở huyện Cái Nước có nơi mực nước cao không quá đầu gối; phù sa bồi lắng, nước sông luôn ngầu đục và bẩn, nhân dân không thể nào lấy được nước để cung cấp cho vuông tôm. Sản xuất kém hiệu quả, đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Cho nên, khó khăn về thuỷ lợi luôn là vấn đề bức xúc của Nhân dân, đây được xác định là điểm nghẽn trong nuôi trồng thuỷ sản của huyện Cái Nước.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, ba năm qua việc đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ lợi ở huyện Cái Nước ngày càng khởi sắc hơn nhờ nguồn vốn của tỉnh và Trung ương hỗ trợ. Trong ba năm (2017-2019), cùng với nguồn vốn của tỉnh và Trung ương phân bổ, huyện Cái Nước xuất ngân sách ưu tiên đầu tư gần 125 tỷ đồng, nạo vét tổng cộng 191 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ. Riêng năm 2019, huyện triển khai nạo vét 72 công trình, tổng vốn đầu tư 39,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này có 50/72 công trình đã nạo vét hoàn thành. Với nguồn vốn được tăng cường và đầu tư kịp thời, đặc biệt là nguồn vốn Trung ương cấp bù thuỷ lợi phí, đã giúp cho huyện Cái Nước nạo vét cơ bản hoàn thành tất cả các trục kênh chính và các công trình thuỷ lợi bức xúc, khắc phục những bất cập về thuỷ lợi tồn tại trong một thời gian dài. Qua đối chiếu với thực tế, hiện nay 10 xã của huyện Cái Nước đã đạt được tiêu chí thuỷ lợi theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi giúp nhân dân xã Phú Hưng phát triển mô hình lúa tôm kết hợp
Tháo gỡ được điểm nghẽn về thuỷ lợi đồng nghĩa với việc huyện Cái Nước đã giải quyết được một trong bốn yếu tố “cần” và “đủ”, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thuỷ sản của huyện phát triển đa dạng hơn với nhiều mô hình có hiệu quả được nhân rộng như nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến và mô hình lúa tôm kết hợp. Năm 2017, huyện Cái Nước đạt tổng sản lượng thủy sản 43.000 tấn, năm 2018 tăng lên 43.500 tấn, năm 2019 mục tiêu của huyện phấn đấu đạt tổng sản lượng thuỷ sản 45.000 tấn. Với việc đầu tư mạnh cho thuỷ lợi kết hợp với triển khai các giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sẽ giúp cho huyện Cái Nước thực hiện được mục tiêu đề ra.
Để phát huy có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho thuỷ lợi, vấn đề đặt ra đối với các địa phương trong huyện Cái Nước là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân kịp thời ban sửa đất đen gắn với xây dựng giao thông nông thôn và trồng cây mắm làm bờ kè chống sạt lỡ. Có như thế sẽ góp phần bảo vệ các công trình giao thông nông thôn, giúp cho các tuyến kênh thuỷ lợi chậm bồi lắng, đảm bảo dòng chảy thông thoáng, phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản được tốt hơn./.