Anh Nghĩa là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình dèo tôm, cua giống trong lồng bè ở xã Thạnh Phú. Những năm gần đây, thấy người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện thường xuyên bị thiệt hại do dịch bệnh, con giống chưa thích nghi với môi trường nước, anh Nghĩa mạnh dạn áp dụng phương pháp ươm nuôi tôm giống, cua giống trong lồng bè đạt hiệu quả cao.
Anh Nghĩa cho biết, việc dèo tôm, cua giống trong lồng bè có chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản mà nhanh thu hồi vốn. Con giống được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên nên dễ kiểm soát. Trong quá trình nuôi, định kỳ phân loại kích cỡ con giống ở các lồng cho đồng đều, đảm bảo con giống phát triển tốt. Con giống được cho ăn ngày 2 cữ, sáng và chiều.
Lồng nuôi ngoài sông, có nguồn nước ra vào thường xuyên nên thuận lợi cho tôm, cua giống thích nghi và hạn chế được tình trạng ô nhiễm trong lồng bè. Với cách nuôi kết hợp này, cả 2 loại tôm, cua giống đều phát triển tốt, không bị nhiễm bệnh. Với số lượng 10 lồng bè tôm, cua giống, nuôi xoay vòng cách nhau 7 ngày, anh có đủ con giống cung cấp cho bà con nông dân trong khu vực.
Mỗi lồng (có độ sâu 1 m - cạnh rộng 1,5 m) thả dèo từ 150.000-200.000 con tôm, cua giống. Nguồn giống được lấy tại vùng sản xuất giống ở Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Theo anh Nghĩa, việc nuôi dèo con giống không khó. So với tôm công nghiệp nuôi trong hầm thì tôm, cua giống dèo khả năng sinh trưởng mạnh và ít bị nhiễm bệnh hơn. Sau vài tuần nuôi, tôm giống thích nghi với môi trường, nguồn nước và hoạt động mạnh hơn.
Riêng cua giống, khi trọng lượng trung bình đạt trên 50 gram/con và có thể xuất bán. Giá tôm giống 50 đồng/con, cua giống 60 đồng/con. Hiện tại, với thời gian nuôi trên 20 ngày, chi phí bỏ ra khoảng hơn 20 triệu đồng. Ước tính, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Nghĩa lãi khoảng 150 triệu đồng.
Anh Nghĩa cho biết, mô hình dèo tôm, cua giống ít chi phí quản lý, thuốc, hoá chất, thức ăn. Người nuôi chỉ chịu khó chăm sóc, theo dõi sức khoẻ con giống, chủ động kiểm soát môi trường, nguồn nước và nhiệt độ của lồng bè. Đối với tôm, cua từ trên 20 ngày tuổi trở lên là giai đoạn dễ sinh dịch bệnh và hao hụt nhiều nhất. Nếu chăm sóc tốt, xử lý đúng quy trình và con giống vượt qua được giai đoạn này thì khả năng thắng lợi rất cao. Vì khi thả ra ao đầm để nuôi, con giống đã đủ sức khoẻ và linh hoạt trong tìm kiếm thức ăn hơn.
Mặt khác, con giống đủ lớn nên khâu kiểm soát thức ăn được chính xác và chặt chẽ hơn. Ngược lại, nếu thấy chất lượng con giống phát triển không tốt hoặc bị bệnh thì người nuôi có thể huỷ bỏ tại lồng. Vì vậy chi phí không nhiều, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường nuôi và khu vực xung quanh. Khi làm dèo phải chọn vị trí nước ra vô thường xuyên. Muốn con giống phát triển đều, ít bị hao hụt, người nuôi phải chọn con giống đồng cỡ, khoẻ mạnh và trước khi thả nuôi phải thuần con giống khoảng 10 ngày mới thả để quen với nguồn nước.
Trong thời gian đầu xây dựng mô hình, anh Nghĩa gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi, nhất là rất ít kinh nghiệm về phòng và trị bệnh cho con giống. Để đạt kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình kiên trì, mày mò và học hỏi những người đi trước; vừa áp dụng vừa tự đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất và dần dần hình thành được quy trình, kỹ thuật chăm sóc nuôi dèo tôm, cua giống.
Tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm để thực hiện thành công mô hình sản xuất nuôi dèo tôm, cua giống của anh Nghĩa đáng được biểu dương, nhân rộng./.