Nguồn gốc nhân nuôi Sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm bắt nguồn từ ấp Khánh Tư xã Đông Thới. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống. Trước đây do cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà con đồng bào dân tộc Khơ me ấp Khánh Tư phần lớn sống bằng nghề làm thuê hoặc mò sò, câu lịch, bắt Ba Khía để kiếm sống. Cũng từ đây, người dân phát hiện dưới lòng sông, kênh rạch có nhiều Sò huyết tự nhiên. Khi mò về, những con Sò nhỏ không bán được, bà con đem thả nuôi lại trong vuông nuôi tôm. Không ngờ, Sò huyết chẳng những sống được mà còn phát triển rất nhanh. Thấy vậy bà con nông dân trong khu vực tìm kiếm sò huyết Sò huyết giống ở các huyện Phù Tân, Trần Văn Thời và ở tỉnh Kiên Giang về nuôi. Kết quả nuôi Sò huyết không thua kém so với nuôi tôm và từ đây mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết kết hợp dần dần được nhân rộng.
Đ/c Phạm Phúc Giang, Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Cái Nước tham quan mô hình nuôi Sò huyết kết hợp của hộ anh Mai Văn Màng, ấp Kinh Lớn xã Đông Thới
Để phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng đất đai được thiên nhiên ưu đãi, tháng 7/2009, tổ hợp tác ấp Kinh Lớn xã Đông Thới do ông Nguyễn Minh Phồi làm tổ trưởng, đã tập hợp 12 hộ trong khu vực, thành lập tổ hợp sản xuất với mô hình nuôi tôm, cua và sò huyết kết hợp. Nhờ có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, thông qua mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết kết hợp, tổ hợp tác sản xuất ấp Kinh Lớn đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình như hộ anh Mai Văn Thọ, hộ anh Mai Văn Màng và anh Nguyễn Văn Diện,… là những hộ thuộc diện hộ nghèo, ít đất sản xuất, nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm, cua, sò huyết kết hợp, đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, từng bước vươn lên khá giả. Trong những năm qua, bình quân hàng năm, mổi thành viên trong Tổ hợp tác có mức thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha/năm. Riêng con Sò huyết, có những hộ thu nhập trên 50 triệu đồng mổi năm.
Anh Mai Văn Màng (người thứ 2 từ trái sang) ấp Kinh Lớn xã Đông Thới thoát nghèo từ mô hình nuôi tôm,cua và sò huyết kết hợp
Theo số liệu đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, hiện nay huyện cái Nước có tổng diện tích đất sản xuất nuôi tôm kết hợp với Sò huyết hơn 3.200 ha, sản lượng sò huyết thu hoạch mổi năm 7.200 tấn. Riêng địa bàn xã Đông Thới có diện tích nuôi Sò huyết tập trung 535 ha, với 336 hộ thực hiện. Từ những tổ hợp tác sản xuất nồng cốt ban đầu, hiện tại các xã Đông Thới, Trần Thới và Đông Hưng đã xây dựng HTX nuôi Sò huyết thương phẩm kết hợp với nuôi tôm, cua trên cùng diện tích canh tác. Xã Đông Thới và Trần Thới được xem là thủ phủ của vùng nuôi sò huyết lý tưởng nhất ở huyện Cái Nước. Nếu như xã Tân Hưng Đông có sản phẩm Bồn bồn, xã Hoà Mỹ có HTX Cái Bát sản xuất Chả cá Phi, Xã Thạnh Phú và Phú Hưng là vùng sản xuất trọng điểm của mô hình lúa tôm kết hợp,… thì con Sò huyết đã trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Đông Thới và Trần Thới.
Điều đáng lưu ý là do môi trường tự nhiên thích hợp cho Sò huyết phát triển, nên Sò huyết thương phẩm nơi đây phát triển rất nhanh, Sò to con, chất lượng thịt ngon không thua kém so với Sò huyết của vùng ngập mặn ở năm Căn, Ngọc Hiển. Chính vì vậy, nếu được sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân chủ động được con giống phục vụ sản xuất, khi đó sản phẩm đặc trưng từ con Sò huyết sẽ có nhiều triển vọng để tham gia sản phẩm Ocop trong tương lai./.