Trong điều kiện khó khăn, nhân dân huyện Cái Nước không ngừng nỗ lực quyết tâm, linh động sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh thì lựa chọn các giải pháp thích ứng để giảm chi phí giá thành đầu vào, nuôi và thu hoạch tôm size nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Những hộ nuôi tôm quảng canh chọn giải pháp đa dạng đối tượng nuôi thuỷ sản như: tôm cua, tôm sò huyết kết hợp,… Thông qua tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, đại bộ phận nhân dân đã chuyển dần hình thức nuôi tôm quảng canh truyền thống kém hiệu quả sang nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, nhằm nâng cao hiệu qủa trên cùng diện tích canh tác.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt năng suất cao nhưng nông dân giảm lợi nhuận do giá tôm giảm mạnh
9 tháng năm 2020, nông dân huyện Cái Nước thu hoạch tổng sản lượng thuỷ sản gần 37.600 tấn, đạt 80% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ, tương đương 1.684 tấn. Trong đó sản lượng tôm gần 22.500 tấn, còn lại là các loài thuỷ sản khác. Có được kết quả này là nhờ bà con nông dân đã thay đổi cách nuôi, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khắc phục tình trạng nuôi tôm quảng canh truyền thống theo kiểu phó mặc do trời. Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã có 23.400 ha được bà con nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến 02 giai đoạn là 9.762 ha, năng suất tôm nuôi bình quân 520 kg/ha/vụ.
Mặc dù sản lượng thuỷ sản tăng so cùng kỳ, tuy nhiên do giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh, nên lợi nhuận trong sản xuất của bà con nông dân đạt thấp. Bởi so với cuối năm 2019, giá tôm nguyên liệu có thời điểm giảm 100.000 đồng/kg, nhất là thời điểm đầu tháng 4 khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra. Đến thời điểm này, giá tôm nguyên liệu đã dần bình phục nhưng vẫn còn thấp hơn khoảng 40.000 đồng/kg so với đầu năm. Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm thâm canh đành chọn giải pháp treo đầm chờ giá; những hộ có điều kiện về vốn cố gắng duy trì sản xuất, tuy đạt năng suất cao nhưng lợi nhuận không nhiều, nguy cơ thua lỗ luôn tiềm ẩn.
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, nhiều hộ nuôi tôm thâm cạnh buộc phải treo đầm
Hiện nay, giá tôm nguyên liệu trên thị trường đã có nhích lên nhiều so với đầu năm nhưng tình hình sản xuất vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, số 7 và áp thấp nhiệt đới, cùng với triều cường lên cao, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa bàn trong huyện phải đối mặt với tình trạng ngập cục bộ, gây thiệt hại không nhỏ trong sản xuất. Mưa lớn kéo dài, độ mặn giảm đột ngột, yếu tố môi trường biến đổi nhanh, ít nhiều ảnh hưởng đến phát triển của tôm nuôi trong vụ chính của những tháng cuối năm. Cũng do ảnh hưởng của thời tiết, việc gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm ở các xã trọng điểm của huyện không thực hiện được, nguy cơ thiệt hại do ngập úng rất cao. Thực trạng này sẽ còn ảnh hưởng rất lớn khi mà những tháng còn lại của năm 2020 là thời gian cao điểm của mùa mưa bão. Với đà này, nếu 2 tháng cuối năm, giá tôm nguyên liệu và các mặt hàng thuỷ sản không sớm phục hồi, chắc chắc đời sống của nhân dân sẽ còn đối mặt với không ít khó khăn.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang nhận định: Do tác động của đại dịch Covid 19 và những bất lợi về thời tiết do hạn hán xâm nhập mặn những tháng đầu năm và mưa bão, triều cường dâng cao những tháng cuối năm, huyện Cái Nước sẽ có ít nhất 3 chỉ tiêu lớn có khả năng không đạt theo Nghị quyết của Huyện uỷ đề ra, gồm chỉ tiêu về sản lượng thuỷ sản, thu ngân sách Nhà nước và mục tiêu giảm nghèo. Đây cũng là thực trạng chung của tỉnh Cà Mau, một năm đầy khó khăn thử thách./.