Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Hưng hiện có 10 Chi hội, với trên 2.380 hội viên, trong đó phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp, làm nghề thủ công truyền thống và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu của thực tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Hưng đẩy mạnh công tác vận động chị em phát huy nội lực, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Qua đó, giúp nhiều chị em vượt khó thoát nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đan lưới, ráp lú và làm lờ cua giúp giải quyết công ăn việc làm cho phụ nữ xã Phú Hưng
Trước đây, gia đình bà Bùi Thị Tới, ấp Hưng Thành được biết đến là hộ nghèo, nhưng với sự quan tâm giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, cộng với ý thức tự thân vượt khó vươn lên, đã tạo động lực để gia đình Bà Tới vươn lên thoát nghèo. Được biết, gia đình Bà là hộ có mấy đời sống bằng nghề dệt chiếu. Sau khi lập gia đình Bà vẫn giữ cái nghề này cho đến nay. Ngoài vuông thì thả tôm nuôi; đất vừơn khoảng nửa công Bà trồng lát làm nguyên liệu để dệt chiếu. Bà Bùi Thị Tới tâm sự: nghề dệt chiếu chủ yếu bỏ công làm lời. Công việc dệt chiếu đòi hỏi sự khéo léo và nhất là lòng yêu nghề. Trong các loại chiếu thì chiếu bông và chiếu lẩy chữ là khó nhất, bởi nó đòi hỏi sự phân bổ, bắt chữ sao cho đẹp và sắc sảo. Trung bình mỗi năm, Bà Tới xuất bán khoảng 40-70 đôi chiếu các loại, giá bán từ 350-700 ngàn đồng một đôi, mang về cho gia đình thu nhập vài chục triệu đồng, từ đó đời sống từng bước ổn định. Gia đình bà cũng vừa xây cất lại căn nhà mới cơ bản, khang trang.
Bà Bùi Thị Tới ấp Hưng Thành xã Phú Hưng chia sẽ: Dệt đôi chiếu là bán 400 ngàn đồng, không chỉ góp phần xoay sở chi phí trong gia đình mà con góp phần lo cho con cái học hành, từ đó cuộc sống bây giờ khoẻ lắm.
Cũng như bà Bùi Thị Tới, hộ bà Nguyễn Thị Đậm ở cùng ấp cũng là một trong những người có hơn 35 năm gắn bó với nghề dệt chiếu. Bà Đậm cho biết, học được nghề dệt chiếu từ Bà Tới, gia đình Bà sống bằng nghề này cho đến hôm nay. Cũng từ nghề dệt chiếu, Bà có điều kiện thuận lợi lo cho các con ăn học thành tài.
Bà Nguyễn Thị Đậm ấp Hưng Thành, xã Phú Hưng nói: Bước đầu mình làm nó còn bỡ ngỡ, sau mình làm riết thành quen, làm nó dễ dàng lắm. Mổi năm dệt cả trăm đôi chiếu. Dịp tết có năm dệt mấy chục đôi là gần cả chục triệu đồng, nên không bỏ nghề được.
Tận dụng bờ vuông nuôi tôm trồng rau màu giúp chị em phụ nữ nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình
Gia đình bà Phan Thị Sáu ấp Cái Rắn B, xã Phú Hưng là một trong những hội viên tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế của xã. Gia đình bà gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nợ nần, nên đất đai phải cầm cố. Thấy gia đình bà Sáu khó khăn, Chi hội phụ nữ ấp Cái Rắn B động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho bà lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó, siêng năng lao động, bà Phan Thị Sáu tận dụng diện tích đất xung quanh nhà, bờ vuông nuôi tôm phát triển mô hình trồng rau màu, thu nhập hàng tháng từ 3-4 triệu đồng; từ đó bà tích lũy được vốn trả nợ vay ngân hàng, chuộc lại đất đai và thoát khỏi ngưỡng hộ nghèo. Hiện nay, gia đình bà Phan Thị Sáu có diện tích trồng rau màu gần 3.000 mét vuông; trong đó các loại rau như: hành, hẹ, cải các loại được bà Sáu trồng chủ yếu vào mùa khô, nên bán được giá cao.
Trồng màu trái vụ cho hiệu quả cao
Có thể nói, những mô hình sản xuất thiết thực, phù hợp với điều kiện của hộ gia đình, đã góp phần cải thiện kinh tế cho chị em hội viên phụ nữ nông thôn, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Đánh giá về việc đẩy mạnh các hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình trong thời gian qua, Chị Tô Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Hưng cho biết: Thời gian qua Hội Liên hiệp phụ nữ xã phát động thực hiện phong trào phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều việc làm cụ thể như dệt chiếu, trồng rau màu, ráp lú; ngoài vuông thì nuôi tôm, trong ao thì nuôi cá,… nhờ đa dạng mô hình như thế nên đời sống kinh tế chị em tương đối ổn định; toàn xã hiện còn 47 hội viên nghèo. Thời gian tới, Hội LHPN xã Phú Hưng sẽ có những các mô hình đột phá hơn để hỗ trợ cho những chị em hội viên nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hưng trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm, mà còn phát huy cách làm hay của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo; củng cố, duy trì các tiêu chí nông thôn mới của xã Phú Hưng./.