Ẩn sau vẻ mộc mạc, chất phác đúng nghĩa là một nhiệt huyết cháy bỏng cống hiến sức mình vì bà con nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Đó là những gì mọi người cảm nhận được từ lão nông Tư Rô.
Hơn 8 năm dốc sức sáng chế
Xuất thân từ gia đình thuần nông, việc học tập thời kỳ ông vô cùng khó khăn. Thiếu kiến thức nên việc mưu sinh của ông khá vất vả, sau nhiều phen khởi nghiệp khó khăn thời trai trẻ, ông quyết định xin vào xưởng cơ khí để vừa làm kiếm sống, vừa học nghề nuôi thân. Biết được chút nghề về cơ khí, ông Tư Rô lại bôn ba trên những cánh đồng để sửa chữa máy cày, máy suốt. “Dù có nghề nhưng không có vốn nên phải chấp nhận đi làm thuê cho người khác”, ông Tư Rô nhớ lại đời mình những năm 1984-1993.
Vất vả trên những cánh đồng bùn lầy và tích góp đến năm 31 tuổi (năm 1994), ông Tư Rô mới có đủ điều kiện trở lại quê hương mở xưởng sửa chữa cơ khí nhỏ. Thế nhưng, cuộc đời không như mong muốn, khi phong trào chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ lúa sang tôm diễn ra trên diện rộng, nghề sửa chữa, hàn tiện máy cày, máy suốt lúa không mấy thuận lợi và mỗi lúc một khó khăn hơn. Vậy là sau 8 năm gắn bó với cơ sở của mình, đến năm 2002 ông lại rẽ sang hướng khác là đi học và làm nghề xây dựng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, ông nhận thấy xi-măng, cát, đá… không phù hợp với mình nên trở về với nghề xưa.
Máy cày do ông Tư Rô sáng chế khá gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển trong điều kiện sông nước
Lây lất gần chục năm và từ thực tế sản xuất con tôm, ông Tư Rô nảy sinh ý tưởng táo bạo là chế tạo chiếc máy cày siêu nhẹ để giúp bà con cải tạo đầm tôm. Ông Tư Rô nhớ lại: “Hồi đó, đi đến đâu cũng nghe bà con mong muốn có được chiếc máy cày chạy được trên đất bùn lầy của đầm tôm, cơ động đi qua được kinh mương của các vuông tôm mà không cần phà chở... nên trong đầu nảy sinh ý tưởng thực hiện”.
Có ý tưởng từ năm 2010, thế nhưng mãi đến năm 2014 ông Tư Rô mới bắt tay vào chế tạo. Ông Tư cho biết, mất thời gian dài như vậy là do phải khảo sát thực tế đồng đất tự nhiên, phải thiết kế và chế tạo làm sao máy vừa đem lại hiệu quả, vừa tiết kiệm nhiên liệu, thuận tiện, lại hợp với túi tiền của bà con nông dân.
Mặc dù đã mất 4 năm để mày mò, nghiên cứu, nhưng khi bắt tay vào chế tạo ông lại mất thêm cả một năm mới cho ra đời chiếc máy cày đầu tiên. Vậy là vào đầu năm 2015, chiếc mày cày mang tên Tư Rô bắt đầu lăn bánh trên đầm tôm của bà con huyện Cái Nước. Ông Tư Rô cho biết, khi mới đưa máy ra ruộng, bà con đến xem rất đông, không ít người bán tín bán nghi, nhưng đa phần cho rằng... không chạy được. “Có người trong xóm tuyên bố mạnh, nếu máy chạy được sẽ thua con heo 100 kg. Vậy là hôm chạy thử, máy ngon lành, người cá độ phải lội về nhà làm thịt con heo chung độ. Cả xóm được đãi một chầu miễn phí”, ông Tư Rô nhớ lại.
Từ thành công của chiếc máy cày đầu tiên, ông Tư Rô không ngừng lắng nghe ý kiến của bà con để tiếp thu những hạn chế khi đưa vào vận hành thực tế, từ đó không ngừng cải thiện để hoàn chỉnh hơn. Đến nay, ông đã cho ra đời 3 loại máy cày siêu nhẹ, gồm máy cày cải tạo đất nuôi tôm, cải thiện môi trường giúp bà con nuôi tôm đạt hiệu quả; máy cày phục vụ cho vùng đất mềm; máy cày phục vụ cho đất bùn lầy và đất ngập nước. Các sáng chế này giúp ông đoạt nhiều giải cấp tỉnh và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận độc quyền.
Ông Tư Rô đích thân xuống tận nơi để sửa chữa máy cày khi người dân có yêu cầu
Không ngừng cải tiến
Các loại máy cày do ông Tư Rô chế tạo khá gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển trong điều kiện sông nước như ở Cà Mau, mặt khác giá thành hợp lý, chỉ từ 12-16 triệu đồng và đặc biệt là phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay của bà con. Ông Tư Rô tự tin: “Máy cày của tôi có thể lội ngang sông Cái Tàu chứ nói gì qua các kênh, mương, đầm tôm”.
Với cấu tạo gần giống chiếc máy cày chét truyền thống, nhưng được ông Tư Rô cải tiến lại lưỡi cày trong điều kiện đất mềm kết hợp sử dụng động cơ có công suất phù hợp. Đồng thời, để lội qua kinh mương hay chống lún ông còn kết hợp mỗi bên bánh 4 cái can nhựa giống như những chiếc phao. Từ đó, trọng lượng của chiếc máy được nhiều người cho là siêu nhẹ so với dòng sản phẩm cùng loại. Nhờ kết cấu gọn, nhẹ nên chiếc máy của ông dễ dàng di chuyển qua các kinh, mương mà không cần phà chuyên chở và trên hầu hết các loại đất.
Được bà con nông dân chấp nhận, chiếc máy cày của ông Tư Rô xuất hiện ngày một nhiều hơn trên đồng đất Cà Mau. Từ đầu năm đến nay, ông đã xuất bán trên 60 máy cho các huyện, thành phố có diện tích nuôi tôm quảng canh, đất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm.
Với chiếc máy cày của ông Tư Rô, Chi hội Cựu chiến binh Ấp 1, xã Tân Lộc Đông sản xuất ngày một hiệu quả hơn
Từ sáng chế của ông Tư Rô đã giúp Chi hội Cựu chiến binh Ấp 1, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, tạo nguồn thu nhập cho chi hội. Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Ấp 1, xã Tân Lộc Đông Trần Văn Hùng cho biết, cuối năm 2017, chi hội đã mua của ông Tư Rô 2 máy cày, trước tiên là để giúp hội viên cải tạo vuông tôm, sau đó cày thuê cho các hộ có nhu cầu ở địa phương để tạo nguồn thu cho chi hội. Đến nay, hiệu quả vô cùng khả quan, không chỉ thu được tiền vốn mua máy cày, hiệu quả tôm nuôi của hội viên tăng lên mà còn có nguồn quỹ tích luỹ cho chi hội.
Đến thời điểm này, sáng chế của ông Tư Rô được xem là khá hoàn chỉnh, được người dân chấp nhận, được cơ quan quản lý Nhà nước công nhận. Thế nhưng, lão nông 55 tuổi vẫn còn chất chứa nhiều điều trăn trở: “Cái khó lớn nhất hiện nay là làm sao có vốn để sản xuất đại trà, bởi nhu cầu của bà con khá lớn. Trong khi đó, kinh phí gia đình còn hạn hẹp, không thể đáp ứng được”, ông Tư Rô chia sẻ.
Còn nhớ cách đây không lâu, có lần cùng ông Tư Rô ra đồng để sửa chữa máy tại xã Khánh An, huyện U Minh, ông đã trải lòng: “Để đủ đồ làm ra chiếc máy cày giá rẻ như hiện nay, đích thân tôi phải lục lạo hết các ngõ ngách ở các chợ đầu mối trên TP Hồ Chí Minh. Tiêu chuẩn là phải đạt chất lượng và giá phải thấp là điều không đơn giản. Hiện nay, mỗi máy cày chỉ lấy lời từ 2-3 triệu đồng, nhưng khi có hư hao gì mà khách hàng điện là phải đến tận nơi để hỗ trợ bà con”.
Có lẽ đối với lão nông này không phải là lợi nhuận đặt lên hàng đầu, cái chính là làm sao hỗ trợ được càng nhiều bà con càng tốt. Chính vì điều đó dù bao phen tháo máy ra chỉnh sửa, cải thiện, cho chạy thử nghiệm ròng rã nhiều năm trời ông vẫn không nản chí. Và thành quả của sự kiên trì ấy là sản phẩm máy cày như hiện nay. Tuy nhiên, ông Tư Rô vẫn chưa thoả mãn với kết quả hiện tại. Do chạy trong môi trường nước mặn nên một số bộ phận nhanh gỉ sét, thời gian tới ông có ý định tìm thêm vật liệu mới để người dân có thể sử dụng được lâu nhất. “Tuy nhiên, làm bằng vật liệu inox giá thành sẽ đội lên cao hơn lại tội cho người dân”, ông Tư băn khoăn.
Với thành công của mình, ông Nguyễn Văn Rô là một trong những điển hình tiên tiến của tỉnh vinh dự được chọn tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, tại Hà Nội vào tháng 6 vừa qua./.