Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm ấp Cái Bát được thành lập vào tháng 8 năm 2018, ban đầu có 17 tổ viên tham gia, nhằm tạo dựng một mối liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Về sau thấy hiệu quả nên có nhiều hộ dân cũng xin tham gia vào, đến nay tổ hợp tác đã có 22 tổ viên.
Ông Đinh Văn Trúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cua Thương phẩm ấp Cái Bát cho biết: Gia đình ông có hơn 1,5 ha đất sản xuất chủ yếu dùng để nuôi tôm. Nhưng do sản xuất nhiều năm đất đai bị hoang hóa nên hiệu quả hàng năm giảm dấn. Bản thân ông luôn trăn trở và muốn tìm cho mình thêm một mô hình làm ăn mới để ổn định cuộc sống.
“Từ khi tham gia vào tổ hợp tác và được bầu là Tổ trưởng tổ hợp tác, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chọn giống, cải tạo ao đầm cũng như chăm sóc nên việc sản xuất của gia đình tôi luôn đạt hiệu quả cao. Chỉ tính riêng vụ cua thu hoạch vào dịp tết năm nay, sau khi trừ các khoảng chi phí, gia đình tôi còn lãi trên 30 triệu đồng. Cuộc sống gia đình từng bước được khắm khá hơn trước rất nhiều”.
Cũng tham gia Tổ hợp tác từ những ngày đầu mới thành lập, ông Đỗ Thanh Phong, thành viên Tổ hợp tác cũng đang rất phấn khởi về mô hình này. Ông Phong cho biết, trước đây tôi thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp nhưng không hiệu quả, cuộc sống khó khăn. Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, tôi tận dụng 2 đầm tôm bị bỏ trống để thả nuôi cua, đồng thời tôi được thành viên trong tổ hướng dẫn cách thức thả nuôi, hỗ trợ vốn để mua con giống. Vụ nuôi đầu tiên, tôi có lãi trên 40 triệu đồng, từ đó cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước. Hiện ông đang thả vụ nuôi mới, đến nay đã được hơn 1 tháng, theo quan sát của ông thì hiện tại cua đang phát triển rất tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Tổ viên Tổ hợp tác chia sẽ, cái lợi của mô hình nuôi cua thương phẩm trong vuông tôm là không cần phải tốn thức ăn hay chi phí xử lý ao đầm như nuôi các loài thủy sản khác. Chỉ cần thả giống, sau thời gian từ 4 đến 5 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra, để cua mau lớn ông còn tận dụng nguồn cá phi có sẵn tại địa phương để cho cua mau lớn.
“Hiện nay, đa phần các tổ viên trong tổ hợp tác đều có thu nhập khá từ mô hình nuôi cua mang lại. Kinh tế phát triển, đời sống của tổ viên cũng ổn định hơn trước từ đó họ cũng tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương như góp tiền xây dựng trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, xây dựng cột cờ kiểu mẩu, sửa lộ nông thôn, trồng cây tạo cảnh quang môi trường”. Ông Lê Thanh Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ phấn khởi cho biết.
Ông Hà Phương Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Mỹ cho biết: Hiện nay, đa phần người dân trên địa bàn xã đều thực hiện mô hình nuôi tôm – cua xen canh và đều đạt hiệu quả. Chỉ tính riêng thu nhập từ con cua, mỗi vụ nuôi mỗi hộ đều có lãi từ 25 đến 40 triệu đồng/ha. Có biệt, có hộ còn có hộ còn có thu hoạch trên 50 triệu đồng/ha. Nhờ đó mà đời sống của bà con cũng ổn định hơn trước rất nhiều. Kinh tế phát triển, người dân cũng nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng quê hương ngày càng nhiều hơn”.
Tuy thành lập chưa lâu nhưng Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ đã và đang thật sự phát huy được hiệu quả, giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, từ đó chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao. Đây có thể xem là điển hình của mô hình kinh tế hợp tác, nhất là trong tình hình nhiều Tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang làm ăn thua lổ và có nguy cơ giải thể như hiện nay./.