Từ nguồn vốn Khoa học công nghệ, tháng 8/2016, Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, triển khai thí điểm ba mô hình nuôi cá chình trong ao nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả tại ấp Sở Tại xã Thạnh Phú, ấp Vịnh Gốc xã Hưng Mỹ và ấp Ngọc Huờn thị trấn Cái Nước. Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm. Trong quá trình thực hiện, hộ nuôi được hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cá giống, hoá chất để cải tạo ao đầm, chế phẩm sinh học, thuốc trị bệnh cho cá và tư vấn kỹ thuật.
Ông Hà Thanh Toàn sử dụng ao nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả nuôi cá chình
Tại ấp Vịnh Gốc, hộ ông Hà Thanh Toàn được chọn để xây dựng mô hình. Ông Toàn cho biết, trước đây gia đình cũng đã từng nuôi cá chình và cá bống tượng trong mương vườn. Gần đây do giá tôm sụt giảm mạnh nên nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả, kinh tế gia đình gặt khó khăn. Được hỗ trợ dự án của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cái Nước, ông cải tạo đầm tôm công nghiệp diện tích hơn 1.500 m2 thả nuôi hơn 330 con cá chình. Qua 19 tháng nuôi, hiện tại cá đạt trọng lượng từ 1 đến 3 kg/con, cá biệt có con đạt trọng lượt 4,5 kg. Ước tỷ lệ cá sống đạt từ 80 đến 90%. Ông Toàn dự tính sẽ kéo dài thời gian nuôi để thu hoạch vào dịp cuối năm 2018 với sản lượng 600 kg cá thương phẩm. Trừ chi phí vật tư và con giống, lợi nhuận của mô hình khoảng 100 triệu đồng.
Ông Hà Thanh Toàn, ấp Vịnh Gốc xã Hưng Mỹ chia sẽ: Nuôi cá chình không có gì khó khăn cả, cái chính là người nuôi phải hết sức chuyên cần và quản lý tốt không để thất thoát. Thực tế cho thấy, nuôi cá chình trong ao tôm công nghiệp kém hiệu qủa không đòi hỏi kỹ thuật cao, lợi nhuận nhiều như nuôi tôm công nghiệp nhưng nó ít rủi ro, đòi hỏi thời gian dài. Nếu chịu khó và quyết tâm là làm được.
Đại biểu tham dự hội thảo nhân rộng mô hình nuôi cá chình của ông Hà Thanh Toàn
Theo kỹ sư Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Trạm Khuyến ngư huyện Cái Nước, Chủ nhiệm dự án nuôi cá chình trong đầm tôm công nghiệp kém hiệu quả, để thực hiện thành công mô hình này bà con nông dân cần lưu ý ba vấn đề: Thứ nhất, phải chịu khó tìm đủ thức ăn và cắt mồi cho ăn đều đặn theo khả năng tăng trưởng của cá; thứ hai, trong đó trình nuôi phải theo dõi xử lý môi trường bằng men vi sinh, nếu đáy ao bị dơ phải hút bùn xử lý kịp thời tránh để cá bị bệnh; thứ ba, quá trình nuôi đòi hỏi phải rào chắn cẩn thận tránh thất thoát, bởi cá chình có thể bò lên bờ để ra ngoài.
Ưu điểm của mô hình nuôi cá chình trong đầm tôm công nghiệp vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, chủ yếu lấy công làm lời theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Thông qua mô hình này, sẽ giúp cho những hộ nuôi tôm công nghiệp kém hiệu quả có thể tận dụng diện tích ao đầm bỏ trống để sản xuất. Đây còn là giải pháp hiệu quả trong việc cắt vụ, giúp cải tạo môi trường, xử lý mầm bệnh tồn lưu trong ao nuôi tôm công nghiệp./.