Đi đầu thực hiện mô hình này là hộ anh Bùi Thanh Hiền, ấp Đức An xã Phú Hưng. Có dịp đến xem khu vườn nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng rau màu xen canh với cây dừa của anh Hiền, chúng tôi thật sự thán phục cách làm của Anh. Với 1.800 m2 đất vườn tạp, anh tận dụng diện tích mặt nước dưới mương vườn đầu tư nuôi cá bống tượng và các loại cá đồng; trên bờ liếp Anh chia thành hai khu vực trồng rau màu và trồng dừa lấy củ hủ. Anh Hiền phấn khởi cho biết: năm 2012 Anh bắt đầu thực hiện mô hình này. Sau hơn 5 năm bỏ công chăm sóc, mô hình trồng xen canh của gia đình Anh cho hiệu quả kinh tế khá ổn định. Chỉ tính riêng trồng dừa lấy củ hủ để tiêu thụ cho các chợ, mổi năm cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Theo anh Hiền, trồng dừa lấy củ hủ không cần vốn đầu tư nhiều, ít tốn công chăm sóc, dừa giống có thể tận dụng từ những trái dừa khô nhỏ, không bán được có sẳn tại gia đình để trồng. Chỉ sau 2 năm là cho thu hoạch. Thương lái đến tận nhà thu mua, trung bình một cây dừa lấy củ hủ có giá bán 150-160 ngàn đồng/cây.
Anh Bùi Thanh Hiền, ấp Đức An xã Phú Hưng (người áo xanh) phấn khởi nói về hiệu quả trồng dừa lấy củ hủ
Trồng trên bờ liếp bờ vuông có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất là giải quyết được dừa mộng, dừa con bị tồn đọng; thứ hai là tận dụng được đất hoang, vườn tạp, bờ vuông; thứ ba là góp phần nâng cao thu nhập kinh tế gia đình và giảm được cỏ sậy, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp. Anh Bùi Thanh Hiền, ấp Đức An xã Phú Hưng chia sẽ.
Để tạo thuận lợi cho cây dừa có thời gian sinh trưởng ngắn, thân to, Anh Hiền tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và áp dụng ngay trên mãnh vườn của mình, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Mỗi bờ liếp Anh trồng hai hàng dừa, mỗi cây trồng cách nhau 2 mét và trồng so le kiểu răng cưa. Khi cây dừa phát triển, lá dừa sẽ không chèn ép với nhau. Do trồng với mật độ dày và xen canh nên khi đến kỳ thu hoạch sẽ cho thu hoạch thường xuyên. Cây dừa sau khi lấy củ hủ, Anh tiến hành thu dọn lá chất đống xung quanh bờ ủ thành phân nhằm cải thiện độ phì nhiêu của đất. Vì vậy trong mùa khô cây dừa vẫn phát triển tốt trên vùng đất nhiễm mặn.
Vườn dừa gần 2 năm tuổi của anh Bùi Thanh Hiền, ấp Đức An xã Phú Hưng
Hiện tại gia đình Anh Hiền còn hơn 350 gốc dừa có thời gian sinh trồng gần 2 năm, phát triển rất tốt, trong đó có 65 gốc vừa mới xuống giống. Anh Hiền chia sẽ, giá cá có khi lên xuống, nhưng bù lại rau màu và trồng dừa lấy củ hủ luôn ổn định. Từ đó cho thấy, việc trồng xen canh hay canh tác nhiều loại cây trồng vật nuôi trên cùng diện tích sẽ cho hiệu quả kinh tế khá bền vững.
Từ mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao của anh Bùi Thanh Hiền, một số hộ dân ở ấp Đức An xã Phú Hưng đã học hỏi làm theo. Qua thống kê, chỉ tính riêng ấp Đức An đã có hơn 27 ha diện tích đất vườn tạp được bà con cải tạo trồng dừa, trong đó có 10 hộ trồng 10 ha diện tích dừa lấy củ hủ cho hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, đây là mô hình xen canh khá bền vững được nhiều hộ nông dân ấp Đức An xã Phú Hưng quan tâm. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình, mà còn góp phần xoá diện tích đất hoang vườn tạp, đảm bảo cảnh quang môi trường, giúp nông dân khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới./.