NÔNG DÂN CÁI NƯỚC KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐẦM TÔM CÔNG NGHIỆP BỊ BỎ TRỐNG
Sau những lần nuôi tôm thất bại, ông Nguyễn Thanh Việt ấp Trần Mót, xã Tân Hưng Đông đã tận dụng những đầm tôm công nghiệp bỏ trống để thả nuôi thử nghiệm cá bống tượng. Sau thời gian thả nuôi hơn 1 năm rưỡi, ông thu hoạch lứa cá bống tượng đầu tiên, sau khi trừ các khoảng chi phí ông còn lãi trên 30 triệu đồng. Thành công vụ nuôi đầu tiên ông cải tạo thêm 2 đầm nữa để mở rộng diện tích nuôi cá bống tượng và cá chình.
“Hiện tại, cá đang phát triển rất tốt, mỗi năm tôi đều cho tát hầm và tuyển dần cá bống tượng để bán. Đối với cá chình, thời gian nuôi dài, hiện tại mỗi con có trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg trở lên. Theo tính toán, với giá cá như hiện nay, đến khi thu hoạch chắc chắn tôi sẽ có lãi từ 50 triệu đồng trở lên”, ông Việt phấn khởi cho biết.
Có kinh nghiệm nhiều năm với mô hình nuôi tôm công nghiệp nhưng 2 năm trở lại đây, chị Phạm Ngọc Thu, ấp Phấn Thạnh, xã Thạnh Phú vẫn không thoát khỏi thất bại do tôm chết hàng loạt, nhiều đầm tôm của gia đình phải bỏ trống vì không còn khả năng để đầu tư nuôi tiếp. Qua tìm hiểu nhiều nơi, chị nhận thấy mình có thể tận dụng những đầm tôm bị bỏ trống để thả nuôi các loài thủy sản, đối tượng được chị chọn nuôi là cá kèo. Với diện tích trên 5.000 m2, chị Thu nuôi thử nghiệm vụ đầu, sau thời gian từ 4,5 đến 5 tháng, cá kèo đạt trọng lượng từ 40 đến 45 con/kg, với giá bán 82.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoảng chi phí con giống, thức ăn, chị thu lãi về cho gia đình trên 150 triệu đồng.
Bước sang đầu năm 2016, chị tiếp tục nuôi vụ thứ hai nhưng do bị ảnh hưởng của đợt nắng nóng vào cuối năm nên số lượng con giống bị hao hụt nhiều hơn vụ trước, tuy nhiên vào thời điểm thu hoạch giá cá kèo khá cao, trên 100 ngàn đồng/kg, nên vụ nuôi này chị cũng thu lãi về trên 70 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Chính, Phó Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết: Trong quá trình nuôi, người dân còn đối mặt với nhiều khó khăn, như chưa nắm rõ kỹ thuật, thiếu nguồn vốn chuyển đổi. Do đó, thời gian tới phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, để bà con nắm rõ đặc tính của từng đối tượng nuôi để sản xuất đạt kết quả. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn từ dự án để hỗ trợ cho bà con đầu tư sản xuất.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm công nghiệp với mật độ cao sẽ làm cho nguồn nước và đất đai bị ô nhiễm, dịch bệnh tồn lưu trong đất sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của bà con. Do đó, việc chuyển đổi đối tượng nuôi sang các loài thủy sản khác như cua, cá kèo, cá chình, cá bống tượng,…sẽ làm giảm được tình trạng dịch bệnh, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, tránh tình trạng đất đai bị bỏ hoang. Đây được xem là giải pháp có hiệu quả đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cái Nước thực hiện./.