Mặc dù diện tích gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Cái Nước không nhiều, trung bình mỗi năm bà con nông dân chỉ gieo cấy được trên 500ha, tập trung chủ yếu một số xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và xã Hòa Mỹ. Tuy nhiên do thiếu nguồn lao động tại chổ, nên mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa, bà con nông dân gặt rất nhiều khó khăn, nhất là đối với công gặt. Mặc dù vậy, bà con nông dân vẫn cố gắng thực hiện, bởi sản xuất được vụ lúa sẽ góp phần ổn định môi trường, giúp tôm nuôi thành công.
Vụ mùa năm 2019, thời tiết thuận lợi, nông dân trong huyện duy trì gieo cấy được hơn 500ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha, bà con nông dân hết sức phấn khởi. Thế nhưng đến khâu thu hoạch, việc thuê mướn công gặt rất khó khăn, mặc dù mỗi công gặt từ 500 đến 700 ngàn đồng nhưng vẫn không có người để mướn. Đó là chưa kể đến khâu vận chuyển lúa bó về đến sân và tiền công suốt lúa. Nếu tính hết các khoảng chi phí cho công đoạn thu hoạch, bà con nông dân phải tốn kém chi phí không dưới một triệu đồng, quy đổi tương đương 10 giạ lúa khô. Vì vậy, năm nào thời tiết không thuận lợi, năng suất lúa đạt thấp, bà con nông dân chấp nhận bỏ lúa ngoài đồng làm thức ăn cho tôm, để không phải tốn chi phí thu hoạch.
Lần đầu tiên nông dân xã Thạnh Phú đưa cơ giới vào thu hoạch lúa
Trước thực trạng trên, vụ mùa năm 2019, bà con nông dân xã Thạnh Phú thuê mướn máy gặt đập liên hợp từ huyện Trần Văn Thời để thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Trung bình chi phí mỗi công gặt bà con nông dân chỉ tốn chi phí 450 ngàn đồng, kể cả khâu vận chuyển lúa hột từ ngoài vuông về đến tận nhà. So với hình thức thu hoạch thủ công như trước đây, bà con nông dân tiết kiệm được hơn 600 ngàn đồng một công. Thông qua máy gặt đập liên hợp, khâu thu hoạch lúa tôm rất nhanh gọn; thu hoạch xong có thể bán lúa được ngay mà không phải thêm công đoạn phơi hoặc sấy như trước đây. Ông Nguyễn Văn Vui, ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, lần đầu tiên thuê mướn ngáy gặt đập liên hợp thu hoạch vụ lúa vui mừng chia sẻ: Khi máy gặt liên hợp đưa vào thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm rất tiện ích cho bà con nông dân, chỉ cần rút nước cạn từ 7 đến 10 ngày cho mặt ruộng khô ráo máy gặt hoạt động rất hiệu quả và trong thời gian hơn một giờ đồng hồ máy sẽ thu hoạch hoàn thành một hét ta, lúa hột được vận chuyển bằng cơ giới đến tận nhà. Còn thu hoạch theo hình thức thủ công phải mất thời gian khoảng một tuần, chưa kể khâu vận chuyển lúa bó và công đoạn suốt, rồi phơi mới bán được lúa.
Sau khi thu hoạch lúa hột được vận chuyển đến tận nhà bằng cơ giới
Rõ ràng, khi đưa cơ giới vào thu hoạch vụ lúa, không chỉ giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân công lao động trong nông nghiệp, mà còn giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, để phát huy việc đưa cơ giới vào thu hoạch vụ lúa, cần phải tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng gieo cất manh mún, nhỏ lẻ như đã qua. Đề cập vấn đề này, ông Đoàn Văn Chính Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Cái Nước cho biết: Để khâu thu hoạch lúa bằng cơ giới thuận tiện hơn, thời gian tới ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, tổ chức lại hình thức sản xuất. Như: tuyên truyền, vận động bà con nông dân vào Tổ hợp tác sản xuất hoặc Hợp tác xã sản xuất mang tính liền kề, xuống giống đồng loạt thuận lợi cho khâu đưa cơ giới vào thu hoạch vụ lúa.
Điều dễ dàng nhận thấy, khi đưa cơ giới vào thực hiện khâu thu hoạch lúa tôm, sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tạo động lực giúp bà con nông dân nhân rộng mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhằm cải thiện môi trường, góp phần sản xuất bền vững. Chủ động thực hiện được khâu này, tin rằng mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Cái Nước sẽ phát triển mạnh trong những năm tiếp theo./.