Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô năm 2016, làm cho nhiệt độ và độ mặn trong ao đầm nuôi tôm tăng cao và kéo dài, đã làm thiệt hại hàng ngàn hét ta tôm, cá, cua và sò huyết của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Thế nhưng, hầu hết không hộ nào được hỗ trợ thiệt hại từ chính sách của Nhà nước, dẫn đến nhiều hộ dân không có vốn để tái đầu tư sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một bộ phận Nhân dân. Nguyên nhân là do bà con nông dân không đáp ứng được các điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định, như: không kê khai đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương; khi mua con giống, thức ăn, hóa chất phục vụ sản xuất, không lưu giữ hóa đơn chứng từ. Rút kinh nghiệm chuyện đã qua, ngay từ đầu năm 2017 ngành chuyên môn kết hợp với các xã thị trấn, tuyên truyền vận động và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện kê khai sản xuất ban đầu. Qua đó, bà con nông dân thấy được quyền lợi nghĩa vụ, đã chủ động kê khai đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương.
Cán bộ khuyến ngư xã Đông Hưng hướng dẫn bà con nông dân về lợi ích việc lưu giữ hóa đơn mua tôm giống
Ông Tô Thành Dẳn, ấp Nhà Vi, xã Trần Thới tâm sự: gia đình có hơn 02 ha đất nuôi trồng thủy sản, được bố trí sản xuất theo 03 loại hình tôm nuôi, gồm: nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, tôm quảng canh truyền thống kết hợp với nuôi cua và sò huyết. Tính ra mỗi năm, tiền đầu tư con giống, thức ăn cho tôm và hóa chất xử lý nguồn nước cho ao đầm nuôi tôm hơn 100 triệu đồng. Một khi xảy ra thiên tai dịch bệnh, nếu không được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại để để tái đầu tư sản xuất cho vụ tiếp theo, gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay sau khi chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn đăng ký sản xuất ban đầu, gia đình và nhiều hộ dân trên địa bàn đã chủ động liên hệ Ban nhân dân ấp đăng ký kê khai sản xuất, phòng ngừa khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại.
Tương tự, tại xã Đông Hưng, là địa phương có phong trào nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển mạnh, trung bình mỗi năm có gần 1.500 ha đất sản xuất được bà con nông dân thả nuôi, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Để phòng tránh thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến sản xuất, ngoài việc kê khai đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương, bà con nông dân nơi đây mỗi khi mua tôm giống, đã chủ động yêu cầu cơ sở sản xuất tôm giống cung cấp hóa đơn, để đảm bảo điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước. Anh Trần Văn Đạt, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ấp Tân Phong, xã Đông Hưng chia sẻ.
Nông dân xã Đông Hưng cẩn thận lưu giữ hóa đơn khi mua tôm giống thả nuôi
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cái Nước, qua công tác tuyên tuyền vận động, bà con nông dân đã thấy được quyền lợi, nên chủ động kê khai đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương. Kết quả đã có trên 21.500 hộ dân đăng ký nuôi tôm, với tổng diện tích hơn 27.500 ha. Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt cũng có 6.800 đăng ký sản xuất, gồm: gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm, trồng rau màu và cây ăn trái, với tổng diện tích gần 2.000 ha. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi thú ý có gần 17.000 hộ dân tham gia đăng ký nuôi gia súc, gia cầm, với tổng đàn gần 200 ngàn con.
Với sự chủ động kê khai đăng ký sản xuất ban đầu với chính quyền địa phương và sản xuất đúng theo lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, sẽ giúp bà con nông dân đảm bảo các điều kiện hỗ trợ thiệt hại theo quy đình của Nhà nước một khi thiên tai dịch bệnh xảy ra, đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư sản xuất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân./.