Cống tiểu vùng Nam Cà Mau trên địa bàn xã Thạnh Phú, giúp ngăn mặn, giữ ngọt khi triều cường dâng cao, phục vụ hiệu quả sản xuất lúa tôm
Sau nhiều năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, mặc dù mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp đối với huyện Cái Nước thực hiện không nhiều, nhưng thực tế cho thấy, nơi nào nông dân sản xuất thành công vụ lúa thì sản xuất sẽ bền vững và phát huy hiệu quả kép; bà con vừa có lúa sạch để phục vụ đời sống, vừa nuôi tôm cho hiệu quả cao. Thế nhưng, do điều kiện thời tiết, hệ thống thuy lợi không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, nên hàng năm rất ít hộ duy trì. Năm 2022, dự án thuỷ lợi tiểu vùng Nam Cà Mau trên địa bàn huyện Cái Nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng, mở ra hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp thuỷ sản, đòi hỏi bà con nông dân phải thay đổi tập quán canh tác, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hơn 10 năm qua, hàng năm huyện Cái Nước chỉ đạo các xã vùng sản xuất trọng điểm gồm Thạnh Phú, Phú Hưng và một phần xã Hưng Mỹ, Hoà Mỹ tiếp tục vận động nhân dân chủ động thực hiện mô hình khép kín hộ để sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Năm nào thời tiết thuận lợi, mùa mưa đến sớm, lượng mưa nhiều, bà con làm tốt khâu rửa mặn thì sản xuất thành công; ngược lại, thời tiết không thuận lợi bà con đành phó thác mai rủi. Thực tế cho thấy, việc sản xuất vụ lúa tuy hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nhưng điều quan trọng là thông qua sản xuất vụ lúa, giúp cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái, tạo nguồn thức ăn tự nhiên, giúp nuôi tôm đạt kết quả cao và bền vững. Một bộ phận nhân dân ở ấp Trần Độ, Sở tại, xã Thạnh Phú và Rạch Muỗi, Phú Thạnh xã Phú Hưng, những hộ kiên trì làm lúa đều trúng tôm và cho thu hoạch gần như quanh năm. Nhiều hộ đã khá lên từ mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp.
Vụ mùa năm 2022, các xã vùng sản xuất lúa tôm xuống giống được hơn 445ha. Nhờ hệ thống thuỷ lợi gồm 29 cống tiểu vùng Nam Cà Mau được xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành, giúp bà con thực hiện thành công vụ lúa ngoài mong đợi. Kết quả đến cuối vụ, diện tích lúa cho thu hoạch còn 400 ha, năng suất bình quân 3,5 tấn/ha. Cá biệt có những hộ điều kiện sản xuất tốt, năng suất lúa đạt 4,5 tấn/ha.
Nông dân Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, Thạnh Phú thực hiện thành công mô hình lúa-tôm-màu kết hợp
Năm qua, nông dân xã Thạnh Phú có 205 hộ, gieo cấy được 235 ha lúa, trong đó một số hộ đã mạnh dạng đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao như ST24 và ST25. Xã Thạnh Phú là địa bàn được hưởng lợi nhiều nhất của dự án thuỷ lợi tiểu vùng II Nam Cà Mau gồm 19 cống quy mô lớn. Vì thế khi mùa nước mặn về, hệ thống cống được khép kín, bà con vùng sản xuất lúa tôm được bảo vệ an toàn, nên sản xuất vụ lúa đạt kết quả cao.
Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại xã Thạnh Phú cho biết: Hệ thống cống tiểu vùng Nam Cà Mau đã phát huy hiệu quả. Nếu như những năm trước, những tháng cuối năm triều cường dâng cao, phần lớn lộ nông thôn bị ngập tràn, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa tôm ở cuối vụ. Thế nhưng, năm 2022 hệ thống cống trên địa bàn xã Thạnh Phú xây dựng hoàn thành, ngành chức năng cho đóng cống kịp thời, giúp bà con nông dân sản xuất thành công vụ lúa, năng xuất đạt rất cao, mở ra triển vọng cho hướng phát triển mới, ai nấy đều rất phấn khởi.
Không riêng xã Thạnh Phú, Phú Hưng, mà một bộ phận nhân dân ở xã Hưng Mỹ và Hoà Mỹ cũng sản xuất thành công vụ lúa nhờ hệ thống cống thuỷ lợi tiểu vùng Nam Cà Mau đưa vào sử dụng.
Nông dân vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tranh thủ thời tiết thuận lợi, thả nuôi vụ mới ngay từ tháng đầu năm 2023
Thực tế cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt; ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn, nguồn nước phục vụ cho nuôi tôm không còn đảm bảo an toàn, hiệu quả nuôi tôm giảm mạnh so với những năm đầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, không thay đổi tập quán canh tác, không đa dạng đối tượng nuôi phù hợp, chắc chắn hiệu quả sản xuất mang lại không cao, nhất là loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống.
Vì vậy, để thích ứng với điều kiện sản xuất hiện nay, phát huy hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, cùng với việc đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp, nuôi càng xanh trong ruộng lúa và nuôi trồng theo hai hệ sinh thái mặn ngọt đan xen; nhất thiết huyện Cái Nước cần có sự đổi mới trong quy hoạch sản xuất và bố trí lại cây trồng vật nuôi cho phù hợp từng địa bàn, nhất là các xã thuộc tiểu vùng II, tiểu vùng III và tiểu vùng X Nam Cà Mau.
Nông dân xã Đông Thới phát huy hiệu quả mô hình nuôi Sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Trần Hoàng Đạo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo điều chỉnh hướng bố trí quy hoạch lại sản xuất ở một số địa bàn. Cụ thể: Đối với các xã thuộc tiểu vùng II, tiểu vùng III gồm Thạnh Phú, Phú Hưng, một phần của xã Hưng Mỹ và Hoà Mỹ, đẩy mạnh khôi phục và phát triển mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa trong mùa nước ngọt; phát động nhân dân cải tạo lại diện tích mương vườn nuôi cá chình, cá bống tượng gắn với phát triển rau màu. Đối với tiểu vùng X gồm xã Trần Thới, một phần thị trấn Cái Nước và các xã còn lại, đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, nuôi tôm-cua-sò huyết kết hợp ở những nơi có điều kiện. Qua đó, nhằm tận dụng và khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế hiện có, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế trên dùng diện tích canh tác, cải thiện thu nhập và đời sống của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, các điều kiện về thời tiết, môi trường, giá cả thường xuyên biến động, gây ra bất lợi lớn cho sản xuất của bà con nông dân. Để chủ động ứng phó, giúp sản xuất đạt kết quả, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, ngay từ bây giờ, mọi người, mọi nhà cần suy nghĩ và hành động, cần có những tính toán kế hoạch sản xuất cho riêng mình, để năm 2023 ai nấy đều được mùa, nhà nhà ấm no./.