Khởi nghiệp từ ươm dèo cua giống
Khởi nghiệp vỏn vẹn chỉ có vài triệu đồng mà giờ đây mỗi tháng anh Phạm Chí Cường (ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước) thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Đó là nhờ anh dám nghĩ, dám làm, kiên trì khắc phục khó khăn.
Khi lập gia đình, rồi con cái ra đời, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, anh Phạm Chí Cường đi nhiều nơi để tìm hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả học hỏi và áp dụng. Sau quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy mô hình ươm dèo cua giống mang lại hiệu quả kinh tế cao và bắt tay vào thử nghiệm.
Ban đầu chỉ có 6 triệu đồng (trong đó 2,5 triệu đồng được hỗ trợ từ "Quỹ giúp nhau lập nghiệp"), anh ươm thử 3 hầm cua giống. Chỉ sau 12 ngày nuôi, anh không những thu lại được toàn bộ số vốn mà còn lãi thêm 3 triệu đồng. Bước đầu khả quan, anh tiếp tục ươm thêm nhiều đợt cua giống, rồi mở rộng thêm hầm ươm. Giờ đây, gia đình anh Cường đã có đến 45 hầm ươm cua giống, được bà con gần xa đến mua con giống chất lượng.
Anh Cường chia sẻ: "Nuôi lâu thì rút kinh nghiệm, nắng nóng che lưới phía trên hầm để nhiệt độ dịu xuống vì cua giống không chịu được nhiệt độ cao. Mùa mưa thì mua giống về ươm trong nhà để nó thích nghi trước, sau đó mới thả ra hầm".
Theo anh Cường, nuôi cua giống chỉ tốn công chăm sóc, không tốn quá nhiều chi phí, bởi thức ăn cho cua là cá tạp chủ yếu anh đánh bắt dưới sông. Mua mê (ấu trùng cua) cũng không tốn nhiều chi phí. Vốn nặng nhất là khi bắt đầu làm, bởi phải đào hầm thả con mê. Hầm đất có lót bạt là hầm nuôi đạt đầu con nhất.
"Khâu chọn giống rất quan trọng. Khi tìm được con mê tốt thì tỷ lệ hao hụt sẽ ít, lợi nhuận đem về nhiều hơn. Mê chất lượng phải có màu sáng, bơi nhanh, bám chắc vào lưới. Mùa mưa phải ngăn không cho nhái nhảy vào hầm cua rồi đẻ trứng, vì khi nở, nhái con có thể ăn hết cua giống", anh Cường chia sẻ kinh nghiệm.
Sau 8 năm khởi nghiệp từ ươm cua giống, giờ đây kinh tế anh Cường khá ổn định, mỗi tháng anh bỏ túi ít nhất 13 triệu đồng. Anh cũng là người tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật ươm dèo cua giống, nhất là những thanh niên mới khởi nghiệp.
Giàu lên nhờ nuôi sò huyết
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, không được học hành đến nơi đến chốn, anh Lê Văn Hướng (ấp Đông Mỹ, xã Trần Thới, huyện Cái Nước) đã bươn chải mưu sinh từ khi còn rất trẻ.
Lăn lộn với nhiều nghề, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, gom góp vốn liếng, anh quyết định đầu tư nuôi sò huyết và thắng lớn. Giờ đây, mỗi năm anh bỏ túi hơn 100 triệu đồng từ việc bán sò huyết thương phẩm.
Theo anh Hướng, nuôi sò huyết rủi ro thấp, giá cả lại ổn định, đầu ra mạnh; nguồn thức ăn tự nhiên, ít tốn kém chi phí; chủ yếu chỉ tốn vốn đầu tư con giống. Giống đem về thả trực tiếp vào môi trường nuôi, không cần phải qua xử lý. Chỉ cần dùng lưới vây quanh nuôi, lưới vây chỉ cần cao hơn mặt nước 0,2 m để ngăn không cho sò ra bên ngoài. Không cần cho ăn hay chăm sóc, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch.
"Con sò huyết nắng nhiều, mưa nhiều cũng chết. Nuôi sò gần 5 năm nay, tôi rút ra được kinh nghiệm nuôi là thả con giống như thế nào hợp lý chứ không thể chữa bệnh cho nó. Với con sò, hễ bệnh là chết chứ không có thuốc nào cứu nổi. Điểm cần lưu ý là mật độ thả sò giống, tuỳ thuộc vào điều kiện của vùng nuôi và phụ thuộc kích cỡ con giống, đặc điểm từng vùng mà thả cho phù hợp. Nếu sò giống thả quá dày thì lượng thức ăn cung cấp không đủ, làm hạn chế tốc độ sinh trưởng, ảnh hưởng đến sản lượng", anh Hướng chia sẻ kinh nghiệm.
Không những phát triển kinh tế gia đình, anh Hướng luôn tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội. Anh thường tặng gạo, quà cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; hỗ trợ tập, sách cho học sinh nghèo đầu năm học mới./.