Ông Nguyễn Văn Sơn, cư ngụ ấp Cái Nước, Thị trấn Cái Nước cho biết: Có dịp đến nhà người quen tại ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, nơi có mô hình nuôi sò huyết phát triển mạnh, thấy bà con nuôi trúng nên ông học hỏi kinh nghiệm về áp dụng nuôi. Tuy nhiên, do ít đất sản xuất, nên ông nghĩ cách tận dụng diện tích mặt nước ven sông trước cửa nhà bao ví lại để nuôi thử nghiệm. Vụ nuôi đầu tiên, sau thời gian hơn 8 tháng, ông bắt đầu thu hoạch dần, vụ nuôi đầu tiên sau khi trừ các khoảng chi phí ông còn lãi trên 70 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước thu hoạch Sò huyết. Ảnh: Kim Út
Thấy mô hình của ông đạt hiệu quả, nhiều hộ dân dọc theo tuyến sông cũng ồ ạt làm theo. Đến thời điểm này, tuyến sông dọc theo lộ Tân Duyệt thuộc địa bàn ấp Cái Nước, thị trấn Cái Nước chiều dài khoảng 2.000 mét, đã có hơn 10 hộ bao ví phần sông trước cửa nhà để thực hiện mô hình nuôi sò huyết.
Không riêng địa bàn thị trấn Cái Nước, hiện tại các địa phương khác cũng phát triển mạnh mô hình này. Cụ thể tại ấp Hơp tác xã thuộc xã Tân Hưng; ấp Khánh Tư, Kinh Lớn, Mỹ Điền, Nhà Thính B xã Đông Thới; ấp Bình Thành, Đông Mỹ, Mỹ Đông xã Trần Thới,…có gần 30 hộ áp dụng mô hình nuôi sò huyết trên sông.
Theo ông Trần Văn Bào, ấp Hợp tác xã, xã Tân Hưng cho biết: “Nuôi sò huyết trên sông không đòi hỏi kỹ thuật, chỉ cần mua sò giống về thả nuôi, thời gian từ 8 đến 10 tháng sẽ thu hoạch. Ở đây từ khi nuôi sò huyết đã gần 4 năm, tôi chưa thấy hộ nào bị lỗ vốn, hộ lãi nhiều thì từ 40 đến 60 triệu, lãi ít cũng không dưới 20 triệu đồng”.
Mặc dù mô hình nuôi sò huyết trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nhưng điều bất cập là gây khó khăn cản trở đối với giao thông đường thủy.
Ông Nguyễn Văn Bực, Trưởng ấp Cái Nước thị trấn Cái Nước cho biết: “Tuy mô hình nuôi sò huyết mới xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng hộ nào nuôi cũng đạt hiệu quả. Ban đầu là vài hộ, về sau số lượng tăng nhiều hơn. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên truyền nhắc nhở người dân không nên tự ý lấn chiếm lòng sông để nuôi sò huyết”.
Nhân dân tự ý bao ví lòng sông nuôi Sò huyết theo tuyến sông. Ảnh: Thanh Nhàn
Ông Đặng Văn My, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn Cái Nước cho biết: hiện chúng tôi cũng đang rất đau đầu về việc bà con tự phát nuôi sò huyết trên sông. Vì hiện tại còn rất nhiều bãi biền bà con chỉ mới thả sò giống, nếu bây giờ không cho nuôi sẽ gây thiệt hại cho bà con. Giải pháp cuối cùng là chờ bà con thu hoạch xong vụ sò này sẽ tháo dỡ các dụng cụ rào chắn và không cho bà con thả nuôi nữa. Đồng thời, trong quá trình nuôi hiện nay, vào ban đêm bà con phải treo đèn để cho các phương tiện đường thủy lưu thông thuận tiện, không để xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, ủy ban thị trấn sẽ triển khai kế hoạch, hướng nhân dân sản xuất theo hình thức đa canh, kết hợp nuôi sò huyết cùng với nhiều loại thủy sản khác để góp phần nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích mà không gây cản trở đến giao thông đường thủy như hiện nay. Còn đối với những hộ ít đất sản xuất, thị trấn sẽ có giải pháp phù hợp để hỗ trợ vốn từ các dự án ưu đãi, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc để ổn định đời sống.
Mặc dù mô hình nuôi sò huyết trên sông đã và đang giúp nhiều hộ dân ổn định đời sống, tuy nhiên việc nuôi sò huyết trên sông sẽ làm ảnh hưởng đến việc bồi lắng, ảnh hưởng đến lưu thông dòng chảy, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trong quá trình nuôi nều xảy ra dịch bệnh sẽ làm ảnh ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của người dân trong vùng. Do đó, ngành chức năng cần phải có biện pháp hướng dẫn kỹ thuật để Nhân dân nuôi kết hợp trong vuông tôm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và khắc phục những bất cập trong sản xuất như đã qua./.