*Xây dựng vùng rau an toàn
Hợp tác xã Nông sản thực phẩm an toàn huyện Cái Nước có 47 hội viên, nông dân với vốn góp trên 500 triệu đồng, thành lập từ giữa năm 2016, ra mắt cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn tại thị trấn Cái Nước với 2 quầy hàng: Thịt an toàn và rau an toàn.
Để chuẩn bị cho vùng sản xuất an toàn, phục vụ cho cửa hàng, Hội Nông dân huyện đã phối hợp thực hiện dự án trồng rau an toàn cho 40 hộ tại thị trấn Cái Nước, xã Tân Hưng Đông, xã Trần Thới và xã Đông Thới với diện tích 4ha. Cùng với đó là 100 hộ hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, HTX: Nuôi cua thương phẩm, nuôi sò huyết, nuôi tôm - trồng rau, nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, nuôi heo thịt… được tập huấn sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn, nhằm tạo nguồn nông sản thực phẩm sạch, phục vụ nhu cầu thị trường trước mắt cũng như lâu dài.
Các đầu mối cung cấp hàng cho HTX được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo tiêu chí an toàn. Hiện, có 5 xã viên được đầu tư nhà lưới, để ngăn chặn côn trùng xâm nhập từ bên ngoài vào, trồng các loại rau màu theo nhu cầu tiêu thụ. Trong suốt quá trình gieo trồng cho đến khi thu hoạch, gần như không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Ông Phan Thanh Bình (ấp Cái Chim, xã Trần Thới) cho biết: “Chúng tôi tuân thủ từ cách chọn đất không có tồn dư hóa chất, hạt giống có lý lịch, đến sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết với liều lượng vừa và đủ, cách ly khi thu hoạch ít nhất 15 ngày”.
Khi thu hoạch, rau phải được loại bỏ lá già, héo, trái sâu, rửa kỹ rau bằng nước sạch rồi mới chuyển đi. Đến cửa hàng, rau được sục khí Ozon, cho vào bao bì đảm bảo vệ sinh, được bảo quản ở nhiệt độ 200C và dự trữ không quá 3 ngày. Đối với quầy hàng thịt, nguồn cung chủ yếu từ các dự án nuôi heo, gà sạch từ các tổ hợp tác, được giám sát chặt chẽ từ chuồng trại, giết mổ đến tiêu thụ. Chị Trương Hồng Tươi, nhân viên cửa hàng, cho biết: “Hàng ngày quầy thịt bán khoảng 2 - 3 con heo, từ sáng đến tầm 9 giờ là hết hàng. Giá thịt có cao hơn các sạp ngoài chợ khoảng 5 -10 ngàn đồng/kg, song do nhận biết được thịt không bơm nước, an toàn nên người tiêu dùng rất ưa chuộng”.
Với cách làm đó, hiện trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm, vùng chuyên sản xuất nông sản an toàn. Mới đây, một số mặt hàng nông sản mà HTX đang bày bán như cải xanh, đậu bắp và dưa leo, đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh cấp Giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, cây bồn bồn cũng được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể… Đây là tín hiệu vui để HTX tiếp tục phát huy thế mạnh địa phương và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. HTX đang đề nghị chứng nhận an toàn cho sản phẩm: Thịt heo, cải ngọt, cải xà lách.
Khó vẫn phải làm
Mô hình liên kết tiêu thụ nông sản an toàn là ý tưởng được Hội Nông dân huyện ấp ủ nhiều năm nay, nhằm tạo đầu ra nông sản ổn định cho nông dân và đem đến bữa ăn “sạch” cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện thì gặp rất nhiều khó khăn. Huyện Cái Nước phần lớn là diện tích nuôi tôm, đất nhiễm mặn, HTX phải chọn những nơi đất cao, tốn kinh phí cải tạo để thực hiện quy trình trồng rau an toàn. Trước mắt, các xã viên chỉ trồng một số rau cải phổ biến; để có phong phú các mặt hàng, HTX phải mua thêm từ Co.op Mart Cà Mau như các loại củ dền, cà rốt, su hào… để phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn.
Qua tìm hiểu, so với các mặt hàng cùng loại trong chợ thì giá bán ở cửa hàng của HTX nhích hơn từ 10 - 15%, song đều có tem bảo đảm an toàn, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên lượng khách còn ít, tính cả vốn lẫn lời, mỗi ngày quầy rau, củ thu chỉ khoảng 500 ngàn đồng. Gian hàng thịt bán đắt thì bù lỗ cho quầy hàng rau. Vì thế từ đầu năm đến nay, HTX chỉ từ huề đến lỗ, trong khi nguồn đầu tư ban đầu rất lớn, khoảng 1 tỷ đồng. Bà Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, chia sẻ: “Thói quen của nhiều người tiêu dùng là chuộng hàng giá rẻ, bóng bẩy, đẹp mắt chứ ít quan tâm nhiều đến chất lượng. Khi chúng tôi mời chào mua hàng, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi “làm sao tin nổi?”, trong khi các mặt hàng ở chợ bày bán ngay xuống đường, không có bất cứ một chứng nhận an toàn nào, vậy mà họ lại không nghi ngờ!?”.
Để tiếp tục vận hành tốt, phát triển hiệu quả, HTX cần thời gian, nguồn vốn và sự chung tay ủng hộ của các ngành, đoàn thể và người dân, có hướng tác động, tuyên truyền để người tiêu dùng dần thay đổi ý thức sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Ông Trần Hồng Thái, Giám đốc HTX, bộc bạch: “Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của HTX, thời gian đầu chủ yếu thu hút khách hàng từ cán bộ, công chức, người lao động và các bếp ăn của cơ quan, ban, ngành, trường học, căn tin bệnh viện trên địa bàn thị trấn. Song, đến nay vẫn chưa được sự nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm kiên trì, vượt khó”.
Chiến lược dài hơi của HTX là hướng đến hợp tác thu mua, tiêu thụ một số sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể của tỉnh: Mật ong, khô cá bổi, cua, tôm khô nhằm quảng bá sản vật đặc trưng của Cà Mau. Hiện, HTX đang đầu tư 1.000m2 diện tích nhà lưới, hệ thống tưới tự động để thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với nguồn vốn gần 600 triệu đồng, dự định xuống giống dưa leo bi và cà chua bi trong tháng 9 này.
Cà Mau có nhiều tiềm năng để phát triển các loại sản phẩm; thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là nhu cầu về thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn... Vì vậy, việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, mô hình liên kết theo chuỗi cung ứng hàng hóa để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đang là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Tuy nhiên, số lượng cơ sở liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Vì thế, rất cần sự chung tay vào cuộc của ngành chức năng, tạo thêm động lực, điều kiện để những tâm huyết vì nông dân, vì người tiêu dùng như của HTX Nông sản thực phẩm an toàn huyện Cái Nước được phát triển lâu dài./.