KINH TẾ-XÃ HỘI HUYỆN CÁI NƯỚC TRƯỚC TÁC ĐỘNG KÉP CỦA HẠN MẶN VÀ DỊCH COVID-19
Năm 2020 mùa khô kéo dài, được đánh giá là đợt hạn mặn khốc liệt nhất trong vài chục năm qua. Nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm cho độ mặn trên các vuông nuôi tôm có lúc lên trên 400C, trong khi đó mực nước trên các tuyến sông rạch luôn cạn kiệt, người nuôi tôm không thể lấy nước hoặc bơm cấp nước cho ao nuôi tôm. Vì vậy, từ tháng 3 đến tháng 5, phần lớn diện tích nuôi tôm quảng canh hiệu quả rất thấp, bà con nông dân chỉ nuôi cầm chừng không thể thả nuôi vụ mới; bởi độ mặn cao, nhiệt độ và môi trường nước luôn biến động nên con tôm không thể phát triển.
Do ảnh hưởng dịch Covid 19, giá tôm sụt giảm mạnh, nhiều hộ nuôi tôm thâm canh buộc phải treo đầm để tránh thua lỗ
Đối với nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và chủ động điều chỉnh các yếu tố môi trường trong sản xuất, nước độ ảnh hưởng của hạn mặn nhẹ hơn; tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, mặt hàng thuỷ sản không xuất khẩu được, dẫn đến giá tôm nguyên liệu, kể cả giá cua, cá chình, cá bống tượng bị sụt giảm mạnh, trong khí đó giá thức ăn và vật tự đầu vào phục vụ nuôi tôm không hề giảm, do đó phần lớn hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh không dám đầu tư thả nuôi vụ mới để tránh thua lỗ. Do vậy, cùng với hạn mặn, đại dịch Covid 19 đã tác động kép gây ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là những hộ nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối tháng 5, toàn huyện mới có 1.570 ha tôm thâm canh và siêu thâm canh được thả nuôi, kể cả các công trình phụ, chủ yếu là diện tích gối vụ cuối năm 2019. Hiện tại, diện tích thả nuôi chỉ có 379 ha, trong đó có 299 ha tôm thâm canh và 80 ha tôm siêu thâm canh; hiện còn hơn 1.600 ha ao nuôi thâm canh và siêu thâm canh trong tình trạng treo đầm. Ước tính tổng sản lượng thủy sản thu hoạch 5 tháng năm 2020 trên địa bàn huyện được 21.260, đạt tỷ lệ hơn 45% kế hoạch. Riêng loại hình nuôi quảng canh truyền thống, so với cùng kỳ năng suất tôm nuôi thu hoạch giảm 2.792 tấn và diện tích bị thiệt hại 671 ha.
Nông dân các xã Đông Thới và Trần Thới kết hợp nuôi sò huyết trong vuông tôm để cải thiện thu nhập
Điều đáng nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, trong tháng 3 và tháng 4, giá tôm nguyên liệu rơi xuống mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Nếu so với thời điểm nữa đầu tháng 2, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg nuôi ao bạt, có thời điểm giá thu mua giảm 21.000 đồng/kg; giá tôm sú giảm từ 45.000 - 80.000 đồng/kg tùy kích cở; giá Cua so với cùng kỳ giảm từ 50.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại. Đối với cá bống tượng có thời điểm giảm đến 330.000 đồng/kg. Cá chình hiện tại thương lái không thu mua. Chính vì giá cả các mặt hàng thuỷ sản giảm mạnh như thế, cộng với khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, nên trong 3 tháng qua, phần lớn hộ nuôi tôm quảng canh trên địa bàn huyện, hiệu quả sản xuất mang lại rất thấp, một bộ phận nhân dân có mức số trung bình và những hộ ít đất sản xuất đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Đối với hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, mặc dù năng suất tôm nuôi đạt khá, nhưng do chi phí đầu vào cao trong khi giá tôm nguyên liệu bán ra quá thấp, nên lợi nhuận cho mổi vụ nuôi không đáng là bao so với công chăm sóc; không ít hộ nuôi sau khi thu hoạch chỉ đủ bù đấp chi phí, thậm chí thua lỗ.
Đánh giá về tác động của hạn mặn và đại dịch Covid 19, Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết: Tác động kép của đợt hạn mặn mùa khô năm 2020 và đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế xã hội của huyện và đời sống của nhân dân, đặc biệt là những hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại, tình hình đại dịch Covid 19 trong nước cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, cho nên thị trường xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản vẫn chưa có hướng mở. Vì vậy, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản chắc chắn sẽ còn bị ảnh hưởng kéo dài, hậu quả kéo theo các lĩnh vực khác như: thương mại dịch vụ, thu nhập, việc làm và đời sống nhân dân. Theo đánh giá, tác động của hạn mặn và đại dịch Covid 19, năm 2020 huyện Cái Nước có 3 chỉ tiêu lớn sẽ không đạt kế hoạch đề ra, đó là: chỉ tiêu về sản lượng thuỷ sản, thu ngân sách Nhà nước và mục tiêu giảm nghèo./.