Tổ hợp tác (THT) nuôi tôm quảng canh cải tiến ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng được thành lập vào ngày 10/8/2016, ban đầu có 15 thành viên tham gia, qua thời gian hoạt động đến nay THT có 21 thành viên với tổng diện tích trên 25 ha.
Ông Đoàn Hữu Trung, Tổ trưởng THT, cho biết: "Khi tham gia THT, các tổ viên đều thấy được nhiều quyền lợi trong sản xuất là giảm được chi phí sản xuất, từ khâu cải tạo vuông tôm, chọn giống, đầu ra sản phẩm cũng được đảm bảo".
Ông Đoàn Văn Út, tổ viên THT nuôi tôm quảng canh cải tiến ấp Cái Cấm, xã Đông Hưng, chia sẻ: "Gia đình tôi có hơn 2 ha đất sản xuất, những năm trước đây còn nhiều khó khăn do chưa biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhưng từ khi tham gia vào THT, được anh em trong tổ chia sẻ kinh nghiệm, được tham gia các lớp tập huấn về nuôi tôm, từ đó tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ khâu cải tạo ao đầm, chọn giống, cách thức thả nuôi… nên hiệu quả mang lại khá cao. Chỉ tính riêng nguồn lợi từ con tôm, mỗi năm tôi thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên".
Hợp tác xã (HTX) nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng tại xã Tân Hưng cũng được xem là mô hình sản xuất rất hiệu quả và là bước đột phá trong nghề nuôi tôm, bởi loại hình nuôi này cho hiệu quả kinh tế cao, từ 45-50 tấn/ha.
Ông Huỳnh Diện, Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, cho biết: "Khi thành lập, HTX có 19 xã viên. Chúng tôi đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ bioloc trên phần đất sản xuất của gia đình. Sau 1 năm hoạt động hiệu quả, từ 19 xã viên, đến nay HTX thu hút 31 xã viên tham gia với diện tích trên 30 ha".
Ông Diện cho biết thêm, khi tham gia vào HTX, các xã viên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh, từ đó nắm vững quy trình, kỹ thuật trong sản xuất nên rất an tâm khi áp dụng mô hình.
Ông Nguyễn Hoàng Nghiêm, xã viên HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, phấn khởi cho biết: "Nuôi tôm theo quy trình công nghệ bioloc nguồn nước được quản lý chặt chẽ, ít gây ô nhiễm môi trường, ít rủi ro và mang lại kinh tế cao cho người nuôi. Hiện mô hình này của HTX đang được xã chọn làm mô hình điểm để triển khai nhân rộng".
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắng cho biết, hiện mô hình nuôi tôm năng suất cao của HTX Tân Hưng được nhiều địa phương lân cận đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước Đoàn Văn Chính cho biết: "Huyện hiện có 160 THT và 13 HTX đang làm ăn hiệu quả, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài THT nuôi tôm quảng canh cải tiến ở ấp Cái Cắm, xã Đông Hưng và HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng, còn rất nhiều THT và HTX làm ăn hiệu quả cao. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn xem xét để nâng chất những THT cũ và tiến hành thành lập các THT mới khi có điều kiện”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích không thể phủ nhận của các THT và HTX thì mô hình kinh tế tập thể này vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Đó là nội lực của các THT và HTX còn yếu kém; quy mô sản xuất nhỏ khiến năng lực cạnh tranh không cao. Thiếu nhân lực và cán bộ có trình độ, kinh nghiệm; sự hợp tác giữa các thành viên nhiều nơi chưa chặt chẽ.
Tổ chức các hình thức sản xuất hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân là 2 trong 19 tiêu chí để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, phát triển kinh tế tập thể là yếu tố cần thiết trong liên kết 4 nhà, thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp và là động lực để các xã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới./.