Vụ mùa năm 2017, thời tiết khá thuận lợi, nên bà con nông dân huyện Cái Nước đã gieo cấy được 540 ha lúa trên đất nuôi tôm, đạt 108% so với kế hoạch, tập trung chủ yếu ở hai xã Thạnh Phú và Phú Hưng. Đến thời điểm này, trà lúa trên đất nuôi tôm đang bước vào giai đạon trổ bông và ngậm sữa. Tuy nhiên, do việc gieo cấy không đồng loạt, nên thời điểm lúa trổ bông cũng không đều, đây là điều kiện thuận lợi cho chim, chuột gây hại, nên nguy cơ bị thiệt hại năng suất là rất lớn.
Ông Mai Văn Quốc xua đuổi chim trời bằng nạn thung để bảo vệ lúa
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú đã phát hiện tập tính của các loài chim, từ đó có biện pháp xua đuổi hiệu quả để bảo vệ vụ mùa, hạn chế thiệt hại. Ông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú cho biết: Qua theo dõi có hai loài chim thường tấn công gây hại khi lúa trổ đó là chim Dòng dọc và chim Sắc. Trong đó, chim Dòng dọc chủ yếu cắn phá và ăn lúa ở giai đoạn chín, còn chim Sắc tập trung gây hại khi cây lúa ở giai đoạn trổ và ngậm sữa. Đây là hai đối tượng hết sức nguy hiểm, vì chúng cắn phá hạt lúa ở giai đoạn bông lúa đang ngậm sữa nên rất dễ dẫn đến lem lép hạt, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí có thể không cho thu hoạch. Tuy nhiên, chim Dòng dọc và chim Sắc chỉ gây hại vào hai thời điểm sáng sớm và chiều mát, chỉ cần canh giữ vào hai thời điểm này là cây lúa được bảo vệ an toàn.
Chính nhờ biết được tập tính của từng loài chim trời thường tấn công gây hại lúc lúa trổ, nên việc xua đuổi chúng cũng không quá khó khăn. Ông Mai Văn Quốc chia sẻ kinh nghiệm:
Ông Mai Văn Quốc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú chia sẻ kinh nghiệm: Dùng hình nộm người cấm trên ruộng lúa tôm, rồi dùng loa hay thùng đánh phát ra tiếng động để xua đuổi chim chỉ được ít hôm chúng quen sẽ không sợ nữa. Lúc này chuyển sang dùng nạn thu bắn để xua đuổi là hiệu quả nhất.
Ruộng lúa trên đất nuôi tôm của ông Mai Văn Quốc
Với cách làm như thế, hàng năm mỗi khi cây lúa bước vào giai đoạn trổ bông, ngậm sữa, ông Mai Văn Quốc tranh thủ thời tiết lúc nắng, vò phơi hàng ngàn viên đạn bằng đất sét để dự trử, phục vụ cho việc xua đuổi chim, bảo vệ vụ mùa.
Với cách làm đơn giản, không tốn kém chi phí nhưng rất hiệu quả, đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái, ông Mai Văn Quốc không chỉ thực hiện thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm mà còn bảo vệ tốt vụ mùa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chim, chuột gây ra. Ông Mai Văn Quốc đã trở thành nhân tố điển hình trong việc thực hiện chủ trương gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm của huyện Cái Nước, được các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh chọn làm điểm khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn để nhân rộng cho các địa phương tkhu vực đồng bằng sông Cửu Long./.