Qua tổng hợp tại 3 xã, tình trạng cua chết diễn ra trên diện tích hơn hơn 200 ha, của 190 hộ nuôi; trong đó xã Đông Thới 135 ha với 90 hộ, với mức độ thiệt hại từ 20% đến 40%, xã Trần Thới hơn 30 ha với 14 hộ, mức độ thiệt hại từ 50% đến 70%. Phần lớn Cua chết có biểu hiện giống nhau với các biểu hiện mềm võ, thân cua có màu hồng nhạt, các cơ bị teo, cua còn sống sau khi bắt lên bờ từ 30 phút đến 50 phút thì cua chết.
Cua nuôi bị chết do ký sinh trùng giáp xác chân tơ
Theo kết luận của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, nguyên nhân xảy ra tình trạng của chết hàng loạt ở một số huyện trong tỉnh, trong đó có xã Đông Thới và Trần Thới của huyện Cái Nước là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua; làm cho tỷ lệ cua nhiễm bệnh trên 93%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/1 mẫu cua. Bên cạnh đó còn có một loại vi khuẩn là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong môi trường nước nuôi và cả cơ, gan cua với mật độ khá cao. Đây cũng chính là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường. Qua giải phẫu cua nuôi bị chết thường có biểu hiện đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển sang màu hồng nhạt.
Bên cạnh đó, thời điểm này nắng nóng gay gắt kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, ảnh hưởng lớn đến môi trường, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Để khắc phục tình trạng này, giúp bà con nuôi cua kết hợp trong vuông tôm giảm rũi ro thiệt hại, ngăn chặn tình trạng cua chết trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân thực hiện một số giải pháp khắc phục trong sản xuất:
Đối với vuông nuôi có tôm, cua bị chết: Do hiện nay chưa có thuốc điều trị đối với bệnh do ký sinh trùng giáp xác chân tơ, nên giải pháp tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Theo đó, bà con nông dân nên thường xuyên theo dõi, quan sát nếu phát hiện cua có dấu hiệu bất thường hoặc có tôm, cua chết cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn, cán bộ Khuyến nông hoặc Thú y cơ sở để phối hợp hướng dẫn xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Khi phát hiện vuông nuôi có tôm, cua chết, không tự ý xả thải ra môi trường bên ngoài, nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi hoặc clorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh.
Cần thu hoạch ngay tôm, cua còn lại trong vuông nuôi, không thả thêm con giống nhằm hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đồng thời thực hiện cắt vụ nuôi và tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lặp đi lặp lại kéo dài.
Biện pháp cải tạo lại vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, xử lý bùn đáy vuông để tránh mầm bệnh tồn lưu dưới đáy vuông; phơi nắng từ 3 đến 5 ngày cho đáy vuông càng khô càng tốt. Dùng vôi nóng (CaO) rãi đều trực tiếp xuống mặt trảng, đáy vuông và ven bờ, kết hợp xử lý nước với số lượng vôi từ 400-500 kg/ha. Đặc biệt, chú trọng xử lý nước diệt ký sinh trùng, giáp xác, vi khuẩn... diệt mầm bệnh trước khi cho nước vào vuông nuôi, tốt nhất nên xử lý nước thông qua ao lắng. Ngoài vôi nóng có thể dùng các hóa chất khác để xử lý nguồn nước và tiêu diệt mầm bệnh như Chlorine, Ioddine, BKC... không được sử dụng hóa chất cấm.
Đối với những con cua bị nhiễm ký sinh trùng ký sinh nhẹ hoặc mới bị nhiễm ký sinh, khuyến cáo người nuôi nên thay nước liên tục để loại bỏ ký sinh trùng và mầm bệnh ra ngoài vuông nuôi.
Đối với những nơi lấy nước vào vuông nuôi bằng máy bơm, nên có túi lọc hoặc lưới rào chắn không cho ấu trùng giáp xác chân tơ và mầm bệnh khác vào vuông nuôi.
Thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí sản xuất; nuôi quảng canh kết hợp tôm với mật độ từ 1- 3 con/m2, cua từ 0,2 - 0,5 con/m2.
Khi đủ điều kiện thả nuôi nên chọn con giống tốt, giống cỡ lớn, chất lượng, không mang mầm bệnh, chọn con giống đã qua kiểm dịch, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và áp dụng quy trình nuôi tiến tiến, ương, nuôi 2-3 giai đoạn, nhằm hạn chế rủi ro.
Thường xuyên gia cố bờ bao, hạn chế nước rò rỉ, duy trì mực nước trên mặt trảng trên 0,5 mét. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng cần thường xuyên cấp thêm nước để duy trì và ổn định các yếu tố môi trường.
Định kỳ sử dụng men vi sinh cho vuông nuôi để tạo thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho tôm, cua ổn định môi trường nuôi. Cần bổ sung thêm khoáng chất cần thiết để tăng cường dinh dưỡng, tăng cường đề kháng cho tôm, cua.
Nông dân xã Trần Thới tranh thủ thu hoạch cua nuôi để giảm thiệt hại
Đối với vuông nuôi chưa xuất hiện tôm, cua chết cần lưu ý đến việc chăm sóc quản lý để phòng ngừa bằng cách:
Thường xuyên theo dõi, quan sát hoạt động bơi lội của tôm, cua; theo dõi diễn biến môi trường, tình hình dịch bệnh, thời tiết, nguồn nước để đảm bảo điều kiện tốt cho đối tượng nuôi phát triển và chủ động xử lý kịp thời phòng ngừa dịch bệnh xảy ra.
Nguồn nước cấp vào vuông nuôi cần có lưới chắn hoặc túi lọc, tiến hành bón men vi sinh gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trước khi thả giống. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cho vuông nuôi để tạo thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho tôm, cua, giúp ổn định môi trường nuôi.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như: Độ pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, oxy hòa tan... Những nơi nguồn nước cấp bị cạn kiệt, không đảm bảo cho vuông nuôi thì nên ngưng thả thêm con giống để hạn chế thiệt hại. Tiến hành thu hoạch tôm, cua đạt kích cỡ thương phẩm và thu hoạch ngay khi phát hiện tôm, cua có dấu hiệu bị bệnh./.