Năm 2014, tổ hợp tác quyết định nuôi sò kết hợp với cua trên tổng diện tích 30,4 ha. Từ cách làm này, nhiều hộ có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm, tổ không còn hộ nghèo, cận nghèo, các thành viên đều có việc làm ổn định.
Bà con ở địa phương khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm, cua đang là phao cứu sinh giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
“Khi thả sò huyết nuôi xen canh, tôm, cua cũng ít bệnh. "Ngoài nguồn thu hơn 170 triệu đồng/năm/ha từ sò huyết, tôi còn lãi gần 200 triệu đồng từ tiền thu hoạch tôm, cua. Bình quân thả 1 kg sò giống, sau thời gian nuôi từ 6-12 tháng, sau khi trừ chi phí, người nuôi sò còn lời không dưới 150 triệu đồng”, ông Nguyễn Minh Phồi, Tổ trưởng THT nuôi cua thương phẩm 2/9, cho biết.
Theo ông Phồi, nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm thì không cần xử lý, cải tạo môi trường nuôi. Cách làm cũng rất đơn giản, không cần dùng lưới vây quanh vì việc xen giữa sò và cua cách nhau 1 tháng, nên sò hao hụt rất thấp. Không cần cho ăn hay hoạt động chăm sóc nào khác, chỉ cần trông coi đến khi thu hoạch.
Từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch khoảng 1 năm. Theo kinh nghiệm nuôi sò của mình, ông Phồi cho biết: “Để nuôi sò đạt hiệu quả như mong muốn, khâu chọn sò giống và thả sò giống hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, nuôi sò huyết theo mô hình này, người nuôi không chỉ có lợi nhuận cao từ sò mà vẫn có thu nhập từ tôm, cua. Môi trường sò sống hoàn toàn không ảnh hưởng đến các loại thuỷ sản khác trong vuông tôm”.
Các thành viên của THT 2/9 phần lớn trước đây là diện hộ nghèo, được sự hỗ trợ của THT, đã tham gia được chia sẻ kinh nghiệm, con giống và trở thành thành viên. Hiện nay, kinh tế gia đình của các thành viên đã ổn định, nhà cửa đã được xây dựng khang trang. Qua nhiều vụ nuôi sò thương phẩm thành công, đến nay gia đình các thành viên THT đã tăng được nguồn vốn tham gia tổ. Còn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì được THT hỗ trợ giúp đỡ nguồn vốn vay để tham gia và nuôi sò, cuộc sống dần đã được ổn định.
Khi vào mùa vụ thu hoạch sò, tất cả các thành viên trong tổ đến tham gia vào công việc bắt sò, nên giảm bớt chi phí thuê nhân công thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Diện, thành viên THT 2/9, cho biết: "Khi bà con vào tổ, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi sò kết hợp tôm, cua. Nếu có khó khăn sẽ được các thành viên trong tổ hỗ trợ giống, giúp vốn, giúp kỹ thuật. Từ đó, bà con ai nấy cũng mê làm ăn, hoạt động của tổ mang lại hiệu quả cao”.
Anh Võ Văn Triệu, Phó chủ tịch xã Đông Thới, huyện Cái Nước, đánh giá: "Mô hình của THT nuôi cua thương phẩm 2/9 được các cấp, các ngành đánh giá cao. Huyện thường xuyên tổ chức các chuyến đi tham quan mô hình để nhân rộng"./.