Bồn bồn chế biến được nhiều món như: làm dưa, nấu canh chua, xào tôm, làm gỏi… ăn sống như một loại rau thông dụng. Cây bồn bồn to, người dân thu hoạch từ phần củ hủ và lõi trắng bên trong.
Anh Nguyễn Phi Hùng, ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, phấn khởi cho biết: “Hiện nay, đang mùa mưa nên khoảng nửa tháng tới sẽ thu hoạch bồn bồn. Bây giờ tôi nhổ bồn bồn bán lai rai rồi... Tôi trồng bồn bồn quanh năm, năm ngoái gia đình tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng từ cây bồn bồn, dưới ao kết hợp nuôi tôm càng xanh và các loại cá nước ngọt”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng bồn bồn, người dân trong ấp Đông Hưng đồng loạt áp dụng mô hình sản xuất này. Hộ có đất rộng trồng từ 20-30 công bồn bồn, cho thu nhập từ 70-120 triệu đồng/năm. Những hộ đất ít trồng bồn bồn cũng thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/năm.
Vào đợt thu hoạch bồn bồn, nông dân bán tươi hoặc làm dưa. Dưa bồn bồn ăn rất ngon, bởi hương vị đặc trưng riêng, nhiều người ưa chuộng món ăn đặc sản này. “Anh em ở Sài Gòn giới thiệu đặt hàng, chúng tôi gởi giao tận nơi. Năm ngoái bồn bồn Đông Hưng có khách nước ngoài đặt mua, gởi sang Úc, Nhật và Trung Quốc...”, anh Phi Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Rở, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, cho hay: “Hiện nay ấp Đông Hưng trồng bồn bồn nhiều nhất xã. UBND huyện và Sở Khoa học Công nghệ đã tổ chức hội thảo, chuẩn bị các bước công nhận thương hiệu cây bồn bồn Cái Nước”.
"Hiện nay bồn bồn đã đến được các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, tại Siêu thị Co.opmart chưa có bồn bồn vì nơi đây đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, phải có kỹ thuật ép chân không. Sắp tới, khi có quyết định công nhận thương hiệu cây bồn bồn, cùng với các quy định kỹ thuật được thực hiện, cây bồn bồn Cái Nước sẽ có mặt tại các siêu thị", ông Nguyễn Văn Rở phấn khởi.