Ông Phan Văn Phụng, Tổ Trưởng Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm ấp Giải Phóng cho biết: Lúc mới chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, những năm đầu hiệu quả mang lại khá cao, nhưng càng về sau thì năng xuất giảm dần. Tôi luôn trăn trở và muốn tìm cho mình thêm một mô hình làm ăn mới để ổn định cuộc sống, thấy nhiều nơi bà con áp dụng mô hình nuôi cua kết hợp với nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, nên tôi đã áp dụng. Chỉ sau hơn 3 tháng nuôi, trong vụ đầu tiên tôi có lãi trên 25 triệu đồng. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, về sau thấy hiệu quả nên tôi mở rộng thêm diện tích nuôi với quy mô lớn.
Không riêng ông Phụng, hộ ông Chung Văn Tâm, thành viên Tổ hợp tác cũng rất phấn khởi về mô hình này. Ông Tâm cho biết, gia đình có hơn 1,5 ha đất sản xuất, nhưng nhiều năm liền sản xuất kém hiệu quả, cuộc sống khó khăn.“Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, tôi được thành viên trong tổ hướng dẫn cách thức thả nuôi, hỗ trợ vốn để mua con giống. Vụ nuôi đầu tiên, tôi có lãi trên 50 triệu đồng, từ đó giúp tôi trang trãi nợ nầng và chăm lo cho gia đình được tốt hơn”, ông Tâm chia sẽ.
Theo ông Trần Văn Tới, thành viên Tổ hợp tác chia sẽ: Cái lợi của mô hình nuôi cua thương phẩm trong vuông tôm là không cần phải tốn thức ăn hay chi phí xử lý ao đầm như nuôi tôm, sau thời gian từ 3 đến 4 tháng thì bắt đầu thu hoạch.
“Hiện tôi có trên 2 ha đất sản xuất được áp dụng theo mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp với nuôi tôm và đang bước vào thời điểm thu hoạch. Theo tính toán, với giá cả như hiện nay, sau khi thu hoạch và trừ các khoảng chi phí tôi sẽ có lãi trên 30 triệu đồng”, ông Tới phấn khởi chia sẽ.
Ông Nguyễn Phú Tân, Trưởng ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông cho biết: “Không chỉ tăng gia phát triển kinh tế, các thành viên trong tổ hợp tác ấp Giải Phóng còn tích cực tham gia vào các phong trào do địa phương phát động, như xây dựng sửa chữa lộ làng, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quang môi trường xanh sạch đẹp”.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Giải Phóng, xã Tân Hưng Đông cũng cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang khuyến khích bà con trên địa bàn ấp nhân rộng mô hình này, ngoài nuôi tôm thì kết hợp nuôi thêm cua và các loài thủy sản khác để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Trung bình sau mỗi vụ nuôi, mỗi hộ đều có lãi từ 20 đến 50 triệu đồng, từ đó đời sống của bà con trong ấp đã ổn định hơn trước rất nhiều”.
“Hiệu quả từ mô hình Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm ấp Giải Phóng cần được nhân rộng. Đây có thể xem là điển hình của mô hình kinh tế hợp tác, nhất là trong tình hình nhiều Tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang làm ăn thua lổ và có nguy cơ giải thể như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Rở, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho hay./.