Ông Thiệu cho biết: Vào khoảng cuối năm 2019, ông được người quen tặng cho mấy kg vọp, ông mang về thả nuôi thử vào vuông tôm. Một thời gian sau ông thấy vọp phát triển tốt nên đầu năm 2020 ông bắt tay vào nuôi vụ đầu tiên. Với hơn 1,5ha diện tích mặt nước, ông kết hợp vừa thả nuôi tôm, cua và vọp. Để có nguồn giống tốt, ông tìm đến cơ sở vèo vọp giống uy tính ở tỉnh Kiên Giang để mua về nuôi.
Ông Trần Văn Thiệu thu hoạch vọp trong vuông nuôi tôm
Theo ông Thiệu, cái lợi lới nhất của mô hình này là chỉ cần tốn chi phí ban đầu là thả con giống, không cần phải cho ăn, thức ăn của vọp chủ yếu là các chất mùn bã, tảo đáy và các vi sinh vật, trong quá trình nuôi thì thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng của vọp. Thời điểm thả giống thích hợp nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch.
Cũng theo ông Thiệu chia sẽ: “ Trung bình 1 tấn sò giống sẽ thả nuôi với diện tích 1.000m2, thời gian nuôi từ 4 đến 6 tháng sẻ cho thu hoạch, vọp đạt trọng lượng từ 20 đến 25 con/kg, sau khi thu hoạch trừ chi phí ông có lãi trên 40 triệu đồng”.
Không riêng gì gia đình ông Trần Văn Thiệu, hiện nay mô hình nuôi vọp xen canh trong vuông tôm đã giúp cho nhiều hộ dân tại ấp Bùng Binh và các ấp lân cận của xã Hưng Mỹ có được nguồn thu nhập ổn định.
Nuôi vọp trong vuông tôm giúp gia đình ông Trần Văn Thiệu nâng cao hiệu quả sản xuất
Hình thức nuôi xen canh nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích canh tác đã giúp người dân khai thác được hết tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trịnh Quốc Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Mỹ cho biết: “ Thời gian qua, xã cũng vận động bà con nông dân đa dạng nhiều mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Mô hình nuôi vọp vổ béo tại ấp Bùng Binh hiện đang phát huy được hiệu quả. Xã cũng đang có hương vận động bà con có điều kiện sẽ nhân rộng mô hình. Đồng thời, cũng phối hợp với ngành chuyên môn để hỗ trợ kỹ thuật cho bà con để mô hình nuôi đạt hiệu quả hơn”.
Mô hình nuôi vọp vổ béo trong vuông tôm, giúp đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên cùng diện tích canh tác, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid -19, vừa khôi phục thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, cần được nhân rộng ở những nơi có điều kiện./.