Mô hình nuôi cá kèo trong đầm nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả của ông Lâm Văn Hợp, ấp Bào Bèo, xã Lương thế Trân
Hộ ông Lâm Văn Hợp, ấp Bào Bèo, xã Lương thế Trân cho biết: Ngay sau khi chuyển dịch sang nuôi tôm, gia đình đã đầu tư thuê cơ giới để đào 4 đầm nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, với tổng diện tích gần 8.000 m2. Những năm đầu nuôi tôm khá thành công, nhưng thời gian gần đây do yếu tố môi trường, giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra và gía cả tôm nguyên liệu không ổn định, nên loại hình nuôi tôm thâm canh không còn phát huy hiệu quả như trước. Nhằm tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng đất đai, ông chuyển sang nuôi cá kèo luân canh từ năm 2020 cho đến nay.
“Chỉ tính riêng năm 2021, mô hình nuôi cá kèo luân canh trong ao đầm nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả, gia đình đã thu hoạch hơn 10 tấn cá kèo thương phẩm, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học xử lý ao đầm, ông thu lãi được hơn 400 triệu đồng”, ông Hợp phấn khởi cho biết.
Cùng ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, hộ ông Lâm Thanh Liêm cũng đang áp dụng mô hình nuôi cá kèo luân canh trong ao đầm nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả. Ông Liêm cho biết: “Với diện tích 2.000 m2 ao đầm, ông thả nuôi mật độ khoảng 100 con/m2, qua hơn 6 tháng chăm sóc, cá kèo đạt trọng lượng từ 35 đến 40 con/ kg, khi lên hầm xuất bán với giá dao động từ 75 đến 80 ngàn đồng/kg, vụ nuôi vừa qua gia đình có được một khoảng thu nhập không nhỏ”.
Hiện tại, mô hình nuôi cá kèo luân canh trong ao đầm nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả được bà con nông dân nhân rộng với diện tích khoảng 4 ha, với hơn 15 hộ nuôi.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lương Thế Trân, ông Trần Quốc Văn cho biết: “ Khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá kèo đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã có được nguồn thu nhập ổn định. Thời gian tới, xã sẽ vận động bà con có điều kiện tiếp tục phát triển mô hình này, đồng thời xã sẽ liên kết với ngành chuyên mô để tìm đầu ra sản phẩm cho bà con, nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá”.
Ưu điểm của mô hình nuôi cá kèo trong đầm nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả, không chỉ giúp đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên cùng đơn vị diện tích canh tác, mà con giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình, cải thiện được môi trường, loại bỏ được mầm bệnh trên tôm nuôi còn tồn lưu trong ao đầm, tạo điều kiện cho vụ nuôi tôm thâm canh tiếp theo hiệu quả hơn./.