Với mô hình sản xuất tập trung, cùng nhau tương trợ, giúp đỡ trong các khâu sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Giống thủy sản Thanh niên Trần Thới đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành Nông nghiệp, mở ra cơ hội làm giàu cho các thành viên trên chính mảnh đất quê hương.Đây là một trong 5 mô hình thanh niên khởi nghiệp có hiệu quả, được Tỉnh đoàn chọn tuyên truyền, nhân rộng trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Các thành viên Hợp tác xã luôn đoàn kết, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, mong muốn làm giàu trên quê hương
Mong làm giàu ở quê hương
Anh Phan Vĩnh Phú, Phó Bí thư Huyện đoàn Cái Nước, cho biết: “HTX được thành lập hơn 1 năm, trên cơ sở phát triển từ câu lạc bộ vèo cua giống và theo ý nguyện, nhu cầu của các thành viên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường phát triển kinh doanh, tạo việc làm cho ĐVTN, cũng như mở rộng đoàn kết, tập hợp thanh niên tại địa bàn dân cư”.
HTX có tổng vốn điều lệ 400 triệu đồng, với 8 thành viên tham gia, kinh doanh ương, vèo tôm, cua giống trong tổng số 140 hầm đất, 100 thau nhựa. Bước đầu HTX chủ động được một phần nguồn cua giống, do Phó Giám đốc HTX, anh Lê Minh Hoàng trực tiếp ương tạo. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Đại học Nha Trang, anh Hoàng về quê thực hiện ước mơ tìm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Hiện, hàng tháng anh cung cấp cho HTX hàng ngàn con cua giống chất lượng.
Tuy nhiên, nguồn con giống tại chỗ không đủ đáp ứng. Người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, cùng vài anh em đứng ra chọn mua thêm con giống tại những cơ sở uy tín, rồi chia sẻ lại hoặc tạo điều kiện cho các thành viên mua được con giống chất lượng. Không chỉ vậy, các thành viên còn giúp nhau từ việc cải tạo ao đầm, thức ăn, kỹ thuật đến vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Anh Trần Trọng Nguyễn (ấp Mỹ Hòa, xã Trần Thới) hiện có 52 hầm đất vèo cua, tôm giống. Anh cho biết từ ngày vào HTX không có chuyện con giống bị ế, nếu khách liên hệ đặt mua mà trại nào hết con giống thì vẫn nhận đơn hàng cho anh em hoặc giới thiệu khách hàng cho thành viên khác bán.
Anh Trần Trọng Nguyễn ( bìa phải - ấp Mỹ Hòa, xã Trần Thới) ăn nên làm ra từ ngày tham gia vào hợp tác xã
Ngoài thanh niên địa phương, HTX còn thu hút anh em ở các xã lân cận: Hàm Rồng (huyện Năm Căn), Việt Thắng (huyện Phú Tân) cùng tham gia, cùng phát triển. Anh Lê Văn Chương (ấp Kiến Vàng B, xã Việt Thắng), thành viên HTX, phấn khởi: “Gia đình tôi đất ít, chủ yếu làm vuông nhưng hiệu quả chưa cao. Cơ may quen biết anh Cường, được anh nhiệt tình hướng dẫn nên tôi quyết định tham gia HTX, đầu tư 13 hầm, 10 thau nhựa vèo cua, tôm giống. Vào HTX đã giúp tôi có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, mở mang nhiều điều, đặc biệt được tham gia tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật”.
Hiện nay, diện tích ao đầm HTX Giống thủy sản Thanh niên Trần Thới đang phát huy hiệu quả, năng suất và giá trị cao hơn so với trước kia các hộ nuôi nhỏ lẻ, sản phẩm đều tiêu thụ thuận lợi. Hàng tháng HTX xuất bán hơn 1 triệu tôm, cua giống, tổng lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng.
HTX xác định làm ăn lâu dài và mở rộng quy mô, vì thế điều tiên quyết là đầu vào - đầu ra con giống đều phải bảo đảm chất lượng, chứ không chạy theo số lượng. Anh Phạm Chí Cường phấn khởi: “Nhiều lúc bà con liên hệ mua con giống mà HTX không đủ đáp ứng, bà con sẵn sàng chờ, khi nào HTX có nguồn giống thì đến bắt. Sự tin tưởng này đã giúp tôi và các thành viên có thêm niềm tin, động lực chinh phục con đường khởi nghiệp vốn còn nhiều thách thức, khó khăn…”.
Hiện trụ sở của Hợp tác xã Giống thủy sản Thanh niên Trần Thới sắp hết hợp đồng thuê, chưa được trang bị cơ sở vật chất để hoạt động theo mô hình hợp tác xã “kiểu mới”
Cần trợ lực để vững vàng
“Đây là mô hình HTX đầu tiên do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện chủ công thực hiện, tập trung các ĐVTN cùng nghề nghiệp trên địa bàn dân cư. HTX không chỉ là mô hình kinh tế cho thanh niên mà còn là sợi dây gắn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức, sinh hoạt Đoàn ở tuyến cơ sở. Hiệu quả bước đầu của HTX là động lực để ĐVTN trên địa bàn huyện vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân”, anh Phan Vĩnh Phú cho biết.
Có quyết tâm, ý chí lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, tuy nhiên, HTX Giống thủy sản Thanh niên Trần Thới thành lập còn mới mẻ, gặp một số khó khăn nhất định về tổ chức bộ máy, trụ sở làm việc, nhất là về nguồn vốn để đầu tư phục vụ sản xuất, mở rộng thị trường… Hiện trụ sở của HTX sắp hết hợp đồng thuê, HTX đang đề xuất địa phương mượn tạm khu trường học bỏ trống sửa sang lại để phục vụ làm việc. Anh Phạm Chí Cường cho biết: “Liên minh HTX tỉnh có hỗ trợ kinh phí tổ chức ngày ra mắt HTX, đến nay HTX chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào khác”.
HTX mong muốn các ngành, các cấp có sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để 8 thành viên HTX đều xây dựng được ao lắng, chứa nước mặn phục vụ cho sản xuất quanh năm, không còn phải lệ thuộc vào tự nhiên như hiện nay. Ước tính, mỗi ao lắng trị giá khoảng 10 triệu đồng. Cùng với đó, mua sắm trang thiết bị cho HTX, để HTX đủ điều kiện hoạt động như HTX “kiểu mới”.
Nghe dự định dài hơi của Phó Bí thư Huyện đoàn và các thành viên trong HTX, càng cho thấy sự khả quan của hành trình khởi nghiệp đúng đắn: Tới đây, HTX sẽ chọn hỗ trợ con giống cho những hộ nghèo có đất sản xuất, phân công thành viên hướng dẫn người dân kỹ thuật, cách chăm sóc, sao cho đạt hiệu quả cao. Việc này một phần là đóng góp vào công tác an sinh xã hội địa phương, phần nữa nhằm chứng minh nguồn con giống của HTX hiệu quả, để có thêm nhiều đối tác làm ăn, đủ nguồn lực mở rộng kinh doanh các giống loài thủy sản khác./.