Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có trên 7.000 ha đất vườn và bờ vuông nuôi tôm, trong số này chỉ có hơn 680 ha được nhân dân đầu tư khai thác để trồng rau màu và cây ăn trái, phần lớn diện tích còn lại là đất bỏ hoang hoặc là vườn tạp kém hiệu quả do không được đầu tư cải tạo để trồng trọt. Nhiều nơi, diện tích vườn tạp và bờ vuông nuôi tôm chỉ toàn là cỏ sậy, ảnh hưởng đến cảnh quang môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Nông dân thị trấn Cái Nước cải tạo đất chuẩn bị cho vụ rau màu phục vụ tết
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, mô hình tận dụng diện tích vườn tạp và bờ vuông nuôi tôm trồng màu cho thu nhập không thua kém so với nuôi tôm. Mô hình này chủ yếu tận dụng sức lao động, lấy công làm lời, vốn đầu tư thấp, chỉ cần siêng năng cần cù, chịu khó là bất cứ gia đình nào cũng có thể làm được.
Tại thị trấn Cái Nước, tận dụng điều kiện thuận lợi có chợ trung tâm là đầu mối tiêu thụ hàng hoá, chính quyền địa phương vận động nhân dân duy trì và nhân rộng mô hình trồng rau màu, phủ lại màu xanh trên vùng chuyển dịch. Thấy được hiệu quả của mô hình này, nhiều hộ đã tích cực thực hiện, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Điển hình như hộ ông Nguyễn Trung Hải (Hai Mùa) ở ấp Cái Nước. Chỉ với khoảng một công đất trống quanh nhà, ông giữ ngọt trồng luân canh nhiều vụ rau màu trong năm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Hết mùa cải ông chuyển sang trồng dưa leo, khổ qua, bí, bắp, hành, hẹ, thời điểm cận tết thì trồng dưa hấu,… Với cách làm này, chỉ một công đất nhưng mổi năm gia đình ông có thêm thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn say mê gắn bó với nghề trồng rẫy.
Mô hình trồng rau bán thuỷ canh của anh Mai Lam Phương, ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước
Còn tại ấp Ngọc Tuấn, hộ anh Mai Lam Phương, tuy diện tích đất vườn không nhiều, nhưng anh có cách làm sáng tạo là áp dụng mô hình trồng rau bán thuỷ canh theo kiểu làm giàn, để có thể tận dụng tối đa không gian, trồng được nhiều vụ trong năm trên cùng diện tích canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất gấp 5-7 lần so với cách trồng rau truyền thống.
Thông qua công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, hiện nay một số địa phương trong huyện, bà con nông dân cũng đã thực hiện thành công mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, không thua kém so với nuôi tôm. Có những hộ trồng với quy mô lớn, hiệu quả một công đất trồng màu cho hiệu quả gấp 3 lần so với nuôi tôm.
Hiệu quả là thế nhưng tiếc rằng mô hình này còn mang tính tự phát và chưa được môi người chú trọng. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, khó kiểm soát, việc phổ biến nhân rộng mô hình tận dụng đất hoang, vườn tạp và bờ vuông để trồng màu là rất cần thiết. Bởi thông qua mô hình này, vừa giúp cho hộ gia đình có được nguồn thực phẩm chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày, vừa góp phần nâng cao thu nhập. Hiện tại, trên địa bàn huyện có nhiều chợ đầu mối và cụm dân cư, như cầu tiêu dùng rất lớn nhưng đại đa số đều được các tiểu thương nhập về từ bên ngoài. Hiện tại, giá các loại rau, củ, quả ổn định ở mức cao và luôn trong tình trạng khan hiếm ở các chợ nông thôn. Vì vậy, việc tận dụng, khai thác triệt để diện tích đất hoang, vườn tạp và bờ vuông nuôi tôm để trồng màu và các loại cây trồng phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cần được các địa phương quan tâm, nhằm khắc phục tình trạng chỉ chăm bẳm vào tôm, cua như hiện nay./.