ĐẢM BẢO AN TOÀN SINH HỌC, HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO NGHỀ CHĂN NUÔI
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học từ lâu được ngành chuyên môn khuyến cáo, nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi, giúp cho vật nuôi tăng sức đề kháng, chống tác nhân gây bệnh lây nhiễm từ bên ngoài, giảm thiểu rũi ro thiệt hại trong chăn nuôi. Thế nhưng, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình và tận dụng nguồn thức ăn sẵn để chăn nuôi nhằm tiết kiệm chi phí. Hơn nữa do khâu tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho vật nuôi chưa được quan tâm đúng mức, nên một khi xảy ra dịch bệnh, người chăn nuôi bị thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
Chỉ sau hơn 4 tháng xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trên địa bàn huyện có hơn 500 con heo của 80 hộ chăn nuôi bị tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 37.000kg. Với giá heo hơi tăng kỷ lục như hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện bị thiệt hại trên 2 tỷ đồng, chưa kể đến khoản ngân sách nhà nước hỗ trợ cho công tác phòng, chống và xử lý heo mắc bệnh chết phải tiêu hủy.
Máng ăn tự động cho heo được ứng dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học
Riêng đối với những hộ chăn nuôi biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, sớm chuyển đổi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, chuyển sang chăn nuôi theo hình thức trang trại, kết hợp ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đã giúp cho heo tăng được sức đề kháng, hạn chế được lây nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phần lớn những hộ áp dụng quy trình này đều không xảy ra dịch bệnh. Điển hình như hộ anh Đặng Văn Quân, khóm 1 thị trấn Cái Nước; trang trại chăn nuôi heo của anh có tổng đàn khoảng 100 con. Anh cho biết: Kể từ khi bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long, anh đã chủ động phòng ngừa bằng nhiều giải pháp, như: Hạn chế người lạ đi vào khu vực trang trại, rải vôi bột xử lý lối ra vào, kết hợp làm hố sát trùng để vệ sinh trước khi vào chuồng nuôi, nhằm ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Theo định kỳ, anh thực hiện tiêm phòng các bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàng cho đàn heo, kết hợp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thoáng mát. Đặc biệt, thức ăn cho heo được sử dụng từ thức ăn công nghiệp của các cơ sở sản xuất uy tín, chất lượng đảm bảo, giúp heo tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh. Chính nhờ ứng dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại nuôi heo của anh Quân đến thời điểm này được bảo vệ an toàn và chăn nuôi đạt kết quả cao.
Hiện nay giá heo hơi trên thị trường đang tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước đó, dự báo thời điểm tết nguyên đán năm 2020, giá heo hơi trên thị trường sẽ còn tiếp tục tăng cao, do nguồn cung khan hiếm, không đảm bảo cung ứng cho thị trường. Đây sẽ là cơ hội vàng cho những người áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Anh Đặng Văn Quân, khóm 1 thị trấn Cái Nước chia sẻ việc tái đàn heo trong thời gian tới: Nếu như trước đây giá heo hơi trên thị trường giao động từ 3,5 đến 4 triệu/100kg là người nuôi đã có lãi, nay giá heo hơi trên thị trường tăng lên 6 triệu đồng/kg sẽ cho hiệu quả khá cao. Hiện đang duy trì đàn heo nái sinh sản để tạo nguồn heo giống cung cấp cho trại chăn nuôi hộ gia đình, để tiết kiệm chi phí đầu tư và an toàn hơn dịch bệnh so với mua heo giống bên ngoài.
Tự tạo nguồn heo giống tại chổ để tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng và ngăn ngừa mầm bệnh
Đề cập đến quy trình chăn nuôi an tòaN sinh học, kỹ sư Lý Hùng Hiển, trưởng Trạm chăn nuôi – Thú y huyện Cái Nước cho biết: Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được xem là một trong những giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp như hiện nay, bởi nguồn heo giống, thức ăn và khâu chăm sóc được quản lý chặt chẽ giúp heo tăng sức đề kháng hạn chế được tác nhân mầm bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài, hạn chế xảy ra rủi ro dịch bệnh cho người chăn nuôi.
Có thể nói, quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một trong những giải pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất, giúp bà con chăn nuôi heo giảm thiểu rủi ro thiệt hại. Đây là hướng phát triển nghề chăn nuôi heo được được ngành chuyên môn khuyến cáo để người chăn nuôi tái đàn khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Cà Mau được kiềm chế./.