Lực lượng phản ứng nhanh hỗ trợ hộ dân tiêu huỷ heo chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại ấp Cái Chim xã Trần Thới
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau “Chống dịch như chống giặc”, huyện Cái Nước đặt nhiệm vụ công tác phòng chống dịch tả lợn Châu phi lên hàng đầu, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Huyện đã thành lập 6 chốt kiểm soát, phân công lực lượng luân phiên trực 24/24 tại các cửa ngõ vào địa bàn huyện; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hỗ trợ hoá chất cho nhân dân tiêu độc khử trùng để ngăn chặn mầm bệnh lây lan vào địa bàn. Tuy nhiên, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu phi xem ra không hề đơn giản, bởi cho đến thời điểm này, ngành chuyên môn vẫn chưa xác định được cơ chế lây bệnh dịch tả lợn Châu phi xuất phát từ con đường nào. Vì vậy mà việc “chống giặc” xem ra hết sức mù mờ.
Hầu hết heo giết mổ tại các lò giết mổ tập trung ở huyện Cái Nước là heo nhập tỉnh
Trong cuộc chiến này, huyện Cái Nước đã phải tiêu tốn hơn 1,8 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, bao gồm chi hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo chết phải tiêu huỷ, chi cho lực lượng trực tại các chốt kiểm soát, lực lượng tham gia tiêu huỷ heo chết và các khoản chi có liên quan khác, nhưng bệnh dịch tả lợn Châu phi vẫn không được kiềm chế. Đến cuối tháng 11, tức là hơn 5 tháng kể từ khi xảy ra ổ dịch đầu tiên trên địa bàn, huyện Cái Nước có 31 ấp của 5 xã gồm Trần Thới, Tân Hưng Đông, Lương Thế Trân, Thạnh Phú và xã Tân Hưng đã xảy ra dịch tả lợn Châu phi, với số 621 con heo của 91 hộ chăn nuôi bị tiêu huỷ, tổng trọng lượng hơn 40.580kg. Điều đáng nói là dịch bệnh không chỉ lây nhiễm đối với đàn heo của hộ gia đình, mà ngay cả Trung tâm giống Nông nghiệp Cà Mau, tại địa bàn ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, là nơi được kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, nhưng đã có 266 con heo giống bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu huỷ.
Có thể nói, bệnh dịch tả lợn Châu phi đã gây tổn hại rất lớn cho người dân. Thực hiện kế hoạch giảm đàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu phi gây ra, mặc dù heo chưa đủ trọng lượng để xuất chuồng nhưng hộ chăn nuôi buộc phải bán tháo với mức giá rẻ, chỉ đủ bù đấp chi phí. Một bộ phận nhân dân, đàn heo được xem là tài sản duy nhất để mưu sinh, thế nhưng chỉ trong chốc lát, đàn heo lần lượt chết đi buộc phải tiêu huỷ. Hiện nay, gia heo trên thị trường tăng đột biến nhưng phần lớn hộ chăn nuôi không còn heo để bán.
Cung hụt cầu, nguy cơ thịt heo khan hiếm và sốt giá trong dịp tết Canh Tý
Lo lắng lớn nhất của người dân hiện nay là bệnh dịch tả lợn Châu phi không biết đến bao giờ mới kết thúc, hộ chăn nuôi mới được phép tái đàn. Đàn heo trong huyện hiện chỉ còn 6.362 con heo của 1.987 hộ. Với số lượng đàn heo hiện có sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trong khi đó bệnh dịch tả lợn vẫn chưa có hồi kết. Vì thế trong dịp tết nguyên đán Canh Tý sắp tới, chắc chắn nguồn thực phẩm từ thịt heo – món ăn truyền thống của bao gia đình sẽ bị khang hiếm. Nếu các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền không có giải pháp bình ổn thị trường thì nguy cơ sốt giá thịt heo trong dịp tết là điều không thể tránh khỏi./.