Để duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình này, huyện Cái Nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng cống bọng khép kín tiểu vùng, chuyển gieo khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống vốn cho nhân dân sản xuất,… Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường tự nhiên thay đổi, sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm trong điều kiện đan xen giữa hai hệ sinh thái mặn ngọt, gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa (nước ngọt), cho nên năm nào thời tiết thuận lợi thì việc gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm mới thành công.
Sản xuất thủ công truyền thống, nông dân rất vất vả trong khâu thu hoạch lúa
Liên tục trong 5 năm qua, mặc dù huyện Cái Nước rất nỗ lực trong chỉ đạo, nhưng hàng năm các địa phương vùng sản xuất lúa tôm trọng điểm của huyện, nhân dân cũng chỉ gieo cấy được trên dưới 500 ha lúa, đến cuối vụ diện tích lúa cho thu hoạch cũng chỉ đạt khoảng 70%; những năm thời tiết bất lợi, lượng mưa kết thúc sớm, lượng nước ngọt không đảm bảo cho cấy lúa phát triển đến cuối vụ, tỷ lệ gieo cấy lúa thành công cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 50%; không ít hộ tốn nhiều công sức cho việc gieo cấy vụ lúa nhưng cuối cùng cũng chỉ có được gốc rạ. Khó khăn là thế nhưng nhân dân vùng sản xuất lúa tôm vẫn nỗ lực quyết tâm gieo cấy vụ lúa. Bởi vì thực tế cho thấy, do môi trường tự nhiên thay đổi, đất đai không còn màu mở, nếu chỉ độc canh con tôm thì sản xuất kém hiệu quả; ngược lại những hộ gieo cấy được vụ lúa cho dù thành công hay thất bại, việc nuôi tôm sẽ đạt hiệu quả cao và bền vững hơn.
Vụ mùa 2019, nông dân các xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và xã Hòa Mỹ đã gieo cấy được 530 ha lúa trên đất nuôi tôm, có 442 hộ thực hiện, đạt 106% kế hoạch, trong đó có gần 450 ha được áp dụng biện pháp gieo sạ. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, cho nên phần lớn hộ gieo cấy lúa đều đạt được kết quả. Hiện nay, có trên 40% diện tích lúa đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, cá biệt có những hộ đạt năng suất hơn 4 tấn/ha.
Nông dân xã Thạnh Phú thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp
Điểm mới trong sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay tại địa bàn xã Thạnh Phú là việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất của nông dân. UBND xã Thạnh Phú đã chủ động hợp đồng máy gặt đập liên hợp về địa phương, giúp nhân dân thu hoạch lúa. Với cách làm này, bà con nông dân chỉ tốn chi phí 450.000 đồng cho mổi công gặt, kể cả khâu vận chuyển lúa hột vào nhà, giúp giảm được rất nhiều chi phí và công lao động so với cách thu hoạch truyền thống. Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp còn giúp cho khâu thu hoạch lúa được nhanh chóng, ít thiệt hại, đảm bảo chất lượng hạt lúa sau thu hoạch và có thể bán được ngay.
Đã qua, để gieo cấy thành công vụ lúa, nhân dân huyện Cái Nước đã có nhiều cải tiến trong cách làm, từ khâu ngăn mặn, cải tạo đất và lựa chọn giống để gieo cấy, trong đó có việc thử nghiệm giải pháp gieo mạ ném thay cho phương pháp cấy truyền thống. Những cải tiến trong lao động sản xuất của bà con đã có những thành công nhất định, nhưng tất cả các giải pháp đều xuất phát từ lao động thủ công, cho nên rũi ro thiệt hại trong sản xuất là không thể tránh khỏi. Vì thế mà không ít hộ gieo cấy lúa đạt năng suất dưới 10 giạ/công, bà con không muốn thu hoạch, bởi chi phí thuê mướn thu hoạch cao, thay vì để rạ và lúa hạt làm thức ăn cho tôm.
Qua đây cho thấy, để giúp cho nhân dân vùng sản xuất lúa tôm tiếp tục gắn bó với mô hình sản xuất lúa tôm và gieo cấy thành công vụ lúa, nhất thiết phải có sự thay đổi cách nghĩ cách làm. Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đưa cơ giới hoá vào sản xuất, tạo thuận tiện cho khâu gieo sạ và thu hoạch, nhằm giảm bớt chi phí sản xuất và công lao động cho nông dân. Về giải pháp ngăn mặn giữ giọt, phương châm khép kín hộ gắn với liên kết vùng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trong sản xuất lúa tôm; giải pháp này vừa ít tốn kém chi phí, vừa đảm bảo hài hoà trong nuôi trồng thuỷ sản điều kiện phát triển dân sinh. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn quan tâm./.