CÁI NƯỚC VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
Thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua tại Hội nghị lần thứ năm và chương trình hành động của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cái Nước đã cụ thể hoá các nội dung, đề ra kế hoạch để tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển biến đồng bộ ở ba trụ cột “Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn” trên địa bàn huyện.
Cái Nước phát triển vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh hơn 1.000 ha, đây là loại hình nuôi giúp nâng cao sản lượng thuỷ sản của huyện
Huyện Cái Nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuỷ sản 30.262 ha, được quy hoạch phát triển với ba loại hình sản xuất chủ đạo gồm: nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh diện tích hơn 1.000 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 27.100 ha và nuôi tôm kết hợp với cua, sò huyết và các loài thuỷ sản khác. Thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong những năm qua sản lượng thuỷ sản của huyện Cái Nước không ngừng tăng cao. Năm 2022, huyện đạt tổng sản lượng thuỷ sản 47.700 tấn. Hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích đất được phát huy; đời sống của nhân dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm còn 1,32%, là một trong các huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh, chỉ sau thành phố Cà Mau.
Thông qua triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 6/11 xã thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia; xã Tân Hưng đang hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh kiểm tra công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tháng 4 năm nay. Huyện cũng đang tập trung chỉ đạo để cuối năm 2023 công nhận xã Đông Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới và thị trấn Cái Nước đạt chuẩn văn minh đô thị.
Sản xuất lúa tôm kết hợp là mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững tiếp tục được huyện duy trì phát triển ở các xã Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hoà Mỹ
Với những nỗ lực quyết tâm trong chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện, sự chung tay của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận của nhân dân, lĩnh vực nông nghiệp thuỷ sản, đời sống của nhân dân và diện mạo nông thôn huyện Cái Nước đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với mặt bằng chung trong tỉnh, tình hình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Cái Nước vẫn còn những hạn chế nhất định; sản xuất nông nghiệp thuỷ sản chưa thật sự bền vững, đời sống của nông dân còn khó khăn, bộ mặt nông thôn phát triển chưa đồng đều, có nơi còn khó khăn yếu kém.
Quán triệt Nghị quyết của Đảng và thực trạng ở địa phương, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Cái Nước sẽ tập trung chỉ đạo với sự quyết tâm cao trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Qua đó nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong nông thôn mới. Hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ ổn định; đảm bảo ba trụ cột “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” phát triển đồng bộ và hài hoà.
Đến nay huyện Cái Nước có 6/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới
Mục tiêu của huyện Cái Nước phấn đấu đến năm 2030 thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020; 100% xã giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Cái Nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó tạo nền tảng vững chắc đến đến năm 2045 huyện Cái Nước đạt được mục tiêu Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường. Nông thôn từng bước hiện đại, người dân có điều kiện sống tiệm cận với đô thị; môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Để thực hiện đạt mục tiêu vừa nêu, huyện Cái Nước xác định 09 nhóm giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến động bộ trên các lĩnh vực. Đồng thời các định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước độ phá, giúp cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chuyển mình, bắt kịp với xu thế phát triển của đất nước.
Diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi mới
Mục tiêu phát triển toàn diện “nông nghiệp, nông thôn, nông dân” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lớn, đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cụ thể hoá bằng Nghị quyết số 19 thông qua tại Hội nghị lần thứ năm. Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống và sớm trở thành hiện thực, cùng với sự chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, khâu quan trọng nhất là vai trò của nhân dân, ý thức trách nhiệm và sự đồng thuận của cộng đồng trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất; tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Trước mắt, sớm thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu; nhanh chóng thích ứng với thời đại công nghệ số và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đã và đang được tỉnh Cà Mau và huyện Cái Nước tập trung toàn lực để triển khai thực hiện./.