Mục tiêu của chương trình OCOP là nhằm hướng đến đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, huyện Cái Nước xác định lộ trình và bước đi cụ thể với các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, huy động có hiệu qủa các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình này. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và các xã thị trấn tập trung triển khai rà soát tất cả các sản phẩm tiềm năng hiện có ở địa phương. Trên cơ sở đó, lựa chọn những sản phẩm chủ lực để đánh giá, phân loại các tiêu chí theo quy định; những sản phẩm đủ điều kiện sẽ đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020.
Mục tiêu đặt ra đối với huyện Cái Nước là sẽ xây dựng đạt tiêu chuẩn ít nhất 02 sản phẩm cấp huyện, tiến tới công nhận sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao. Đồng thời mổi xã, thị trấn chọn xây dựng một sản phẩm thuộc về lợi thế của địa phương mình.
Bồn bồn Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, một trong các sản phẩm đặc trưng đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP của huyện Cái Nước
Về tổ chức kinh tế, phát triển nâng cấp ít nhất 03 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trước mắt, trong năm 2020, huyện Cái Nước chọn 7 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP tỉnh Cà Mau, gồm chả cá rô phi và bánh phồng tôm của HTX Cái Bát xã Hoà Mỹ; sản phẩm Nước mắm Mạch Long của Công ty sản xuất thương mại xuất khẩu Đại Phát, ấp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân; sản phẩm nước mắm Diệu Hương của cơ sở Sáu Thành, xã Hưng Mỹ; sản phẩm Dưa Bồn bồn và Dưa Bồn bồn Kim chi của HTX Bồn bồn Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông.
Để chương trình này sớm đi vào đời sống, huyện Cái Nước cũng đã phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh, tổ chức một cuộc triển khai đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cho các thành viên Ban Chỉ đạo huyện, đại diện các phòng, ban, ngành đoàn thể và Ban Chỉ đạo xã, các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện Chương trình. Trong năm 2020, huyện sẽ tổ chức các lớp tập huấn, triển khai đề án với quy mô và số lượng người tham gia đa dạng hơn, để bắt tay vào thực hiện.
Nông dân ấp Đông Hưng thu hoạch Bồn bồn
Theo đó, huyện Cái Nước xác định, để chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, vấn đề đặt ra là từng địa phương phải tiếp tục triển khai, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, gắn với nhân rộng mô hình, tạo sự liên kết giữa nhân dân với doanh nghiệp trong việc giải quyết đầu vào và đầu ra của sản phẩm, phát huy tối đa lợi thế canh tranh để nâng cao giá trị sản phẩm làm ra.
Ông Huỳnh Hùng Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện cho biết: Năm 2020, huyện Cái Nước dự kiến đầu tư 8,8 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP, trong đó Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng, các chủ thể tham gia đóng góp 2,5 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và vốn tín dụng. Qua đó tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển những năm tiếp theo, quyết tạo tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chương trình OCOP ở địa phương, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển./.