Đến cuối năm 2017, huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là 184 ha (trong đó diện tích ao nuôi 23 ha), có 109 hộ thực hiện với tổng số 163 ao nuôi. Ba tháng đầu năm 2018, toàn huyện có 161 hộ thực hiện, gồm 231 ao, với diện tích nuôi 31,16 ha, tổng diện tích công trình phụ 225 ha. Theo dự báo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, với điều kiện môi trường nuôi ổn định và giá tôm nguyên liệu bình ổn ở mức cao như hiện nay, khả năng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện sẽ còn tăng vọt trong thời gian tới. Bởi thông qua mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ thành công khá cao, năng suất tôm nuôi tăng gấp nhiều lần so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hoàng Nghiêm, thành viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, với diện tích ao nuôi 1.600m2, trong vụ tôm đầu năm 2018, ông thu hoạch đạt tổng sản lượng hơn 5,4 tấn. Từ hiệu quả của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp đang có xu hướng đầu tư chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh, để giảm chi phí đầu tư và công chăm sóc.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa trái) trong chuyến kiểm tra nuôi tôm công nghiệp ở huyện Cái Nước
Việc chuyển đổi mô hình và giải pháo nuôi để đạt năng suất và lợi nhuận cao là xu thế tất yếu đang được nông dân huyện Cái Nước hướng tới. Cũng từ đây, nhiều hộ nuôi tự phát không thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn nuôi tôm siêu thâm canh, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vùng nuôi trong khu vực và hướng phát triển bền vững. Do đây là mô hình nuôi mới, đội ngũ cán bộ cơ sở chưa thật sự am hiểu quy trình kỹ thuật, cách thức nuôi,… nên công tác kiểm tra, hướng dẫn và quản lý chưa thật chặt chẽ. Qua kết quả kiểm tra thẩm định của ngành chức năng huyện vào cuối tháng 3, trong tổng số 161 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện, có hơn 50% hộ nuôi thực hiện chưa đúng quy trình theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong đó hạn chế lớn nhất là việc bố trí ao xử lý nước thải, chất thải bảo vệ môi trường và hệ thống điện.
Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước (bên trái) xem mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của nông dân ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc chấn chỉnh tình trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh; từ ngày 04/4 đến ngày 06/4/2018, UBND huyện Cái Nước phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau, tổ chức hai cuộc hội nghị cán bộ chủ chốt ban ngành huyện, lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, các đoàn thể xã thị trấn, Bí thư, Trưởng các ấp khóm của 11 xã, thị trấn; để triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất năm 2018, đồng thời quán triệt chủ trương của UBND tỉnh về việc nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Thông qua hội nghị này, đội ngũ cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở sẽ nắm bắt được Quy định tạm thời của UBND tỉnh và Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, về điều kiện nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Các điều kiện cần thiết trong việc bố trí ao đầm, quy trình kỹ thuật bắt buộc trong quá trình nuôi siêu thâm canh; làm cơ sở cho việc chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn Nhân dân trong việc nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong thời gian tới đạt hiệu quả, đảm bảo đúng theo quy định.
Nông dân Cái Nước chuẩn bị ao đầm nuôi tôm siêu thâm canh
Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Phạm Phúc Giang nêu quan điểm chỉ đạo: Sau hai cuộc hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt chủ trương, hướng dẫn về nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh ngay những hạn chế trong việc quản lý nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn. Những hộ đầu tư nuôi mới nhất thiết phải bố trí ao xử lý nước thải, chất thải; phải đăng ký sản xuất với chính quyền địa phương; phải được tập huấn kỹ thuật; được ngành chuyên môn kiểm tra đủ điều kiện mới tiến hành nuôi. Trường hợp nào không hội đủ các điều kiện cần thiết, nhất là điều kiện đảm bảo môi trường, huyện chủ trương cho ngành điện không cung cấp điện cho sản xuất. Đối với những hộ đã nuôi, sau khi thu hoạch, phải khắc phục ngay những khiếm khuyết mới được nuôi vụ tiếp theo. Ngược lại, ngành chức năng sẽ có biện pháp xử lý, trước nhất là áp dụng biện pháp cắt điện.
Đi đôi với việc chấn chỉnh những hạn chế trong việc quản lý nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, huyện Cái Nước sẽ tham mưu với tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đến năm 2020. Trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của Nhân dân, đảm bảo việc phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hiệu quả và bền vững./.