Theo thống kê, huyện Cái Nước có 226 tuyến sông rạch lớn nhỏ, tổng chiều dài hơn 1.100 km, tạo thành hệ thống sông ngòi chằng chịt. Trong đó có 15 trục kênh cấp một chiều dài 300 km, 111 kênh cấp hai dài hơn 368 km, 87 tuyến kênh cấp ba dài 327 km và 13 kênh nội đồng chiều dài 112 km. Do đặc thù là địa bàn tiếp giáp với sông Bảy Háp, kênh xáng Hoà Trung và kênh xáng Đội Cường có độ phù sa lớn và chịu sự tác động của cả 2 chế độ triều biển Đông và Vịnh Thái Lan, nên hầu hết các tuyến sông đều mau bồi lắng, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, hệ thống kênh thuỷ lợi ở huyện Cái Nước trong vòng ba năm phải nạo vét lại. Nếu không nạo vét kịp thời, có những tuyến kênh rạch sẽ khô cạn với mực nước còn không quá đầu gối mổi khi triều cường xuống thấp, điển hình như địa bàn xã Lương Thế Trân. Trong khi đó, 5 năm qua, trung bình mỗi năm huyện Cái Nước chỉ có thể đầu tư từ 15 đến 20 tỷ đồng để nạo vét những công trình thuỷ lợi bức xúc theo thứ tự ưu tiên. Chính vì thế mà hệ thống thuỷ lợi của huyện luôn nằm trong tình trạng chấp vá, kể cả hệ thống thuỷ lợi vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm.
Phù sa làm cho các tuyến kênh thuỷ lợi mau bồi lắng
Năm 2017, huyện Cái Nước đề ra mục tiêu đạt sản lượng 42.000 tấn thuỷ sản. Để đạt mục tiêu này, huyện xác định phải đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với nhân rộng mô hình nuôi tôm năng suất cao được xem là hướng đi chủ đạo.
Theo thông tin từ ngành chức năng huyện, việc đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ lợi năm nay có nhiều khả quan. Huyện Cái Nước được tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ lợi tăng gấp ba lần so với hàng năm. Cụ thể năm 2017, toàn huyện có 72 công trình thuỷ lợi với tổng chiều dài 177 km được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nạo vét, với tổng kinh phí 56,6 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn thuỷ lợi phí. Đến thời điểm này, có gần 40 công trình đã được ngành chuyên môn xúc tiến thực hiện, số còn lại đang được khảo sát, lập thủ tục để tiến hành nạo vét dứt điểm trong năm 2017. Riêng địa bàn xã Lương Thế Trân có 9 công trình thuỷ lợi được đầu tư nạo vét, giải quyết dứt điểm tình trạng khó khăn về thuỷ lợi tồn tại kéo dài từ nhiều năm qua.
Thiếu vốn nạo vét nhiều tuyến kênh thủy lợi không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất
Với việc đầu tư nạo vét 72 công trình thuỷ lợi năm 2017, huyện Cái Nước cơ bản hoàn thiện việc nạo vét tất cả các trục, kênh thuỷ lợi trên địa bàn, đảm bảo lưu thông dòng chảy và cung cấp nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trong vòng 3 năm không cần phải nạo vét. Đây là năm huyện Cái Nước được đầu tư nguồn vốn nạo vét thuỷ lớn lớn nhất kể từ trước đến nay. Ông Nguyễn Trúc Giang, Trưởng Phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Cái Nước khẳng định.
Tuyến sông Cái Giếng xã Tân Hưng được nạo vét từ nguồn vốn thủy lợi phí năm 2017
Việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư đồng bộ hệ thống thuỷ lợi không những đáp ứng nhu cầu tối thiểu cần thiết, giúp nông dân sản xuất đạt kết quả; mà còn là điều kiện để các địa phương hoàn thiện tiêu chí thuỷ lợi trong xây dựng nông thôn mới, góp phần chăm lo đời sống của Nhân dân ngày một tốt hơn, thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển./.