Hiện nay, huyện Cái Nước có năm loại hình nuôi tôm được nhân dân lựa chọn thực hiện theo điều kiện kinh tế hộ gia đình, đó là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm quảng canh truyền thống và lúa tôm kết hợp. Mổi mô hình sản xuất đều có thế mạnh riêng, trong đó nuôi tôm quảng canh cải tiến được xác định là mô hình sản xuất bền vững, bởi thực tế cho thấy mô hình này không đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của nông dân.
Thông qua công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hội thảo nhân rộng mô hình, đến nay huyện Cái Nước có gần 20.100 ha đất sản xuất được bà con nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, chiếm tỷ lệ 66% tổng diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản của huyện, trong đó có gầnn 8.000 ha được áp dụng nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Riêng 9 tháng năm 2019, nhân dân trong huyện tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được gần 3.000 ha. Năng suất tôm nuôi quảng canh cải tiến trung bình đạt 500 kg/ha/vụ. Cá biệt những hộ có điều kiện canh tác tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất tôm nuôi trên 550 kg/ha/vụ.
Nhân dân ấp Phú Thạnh xã Phú Hưng thu hoạch tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn
Hộ anh Võ Minh Thơ, ấp Phú Thạnh, xã Phú Hưng đã duy trì và thực hiện thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn hơn 3 năm qua. Với diện tích đất sản xuất 3 ha, năm nào điều kiện thời tiết thuận lợi, anh duy trì mô hình gieo cấy vụ lúa kết hợp với nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Trong quá trình sản xuất, anh tuân thủ nghiêm ngặt khâu cải tạo đất bằng cách cắt vụ từ 5 đến 10 ngày, bơm khô nước để thuốc cá và xử lý đáy kênh bằng vôi bột với liều lượng thích hợp nhằm xử lý mầm bệnh tồn lưu trong đất. Trước khi thả tôm, con giống được anh lựa chọn tại các trại giống có uy tín để chọn mẫu đi xét nghiệm; lô tôm nào sạch bệnh mới đem về vèo trong hầm đất từ 12-15 ngày mới thả ra vuông nuôi. Mặc dù khâu chọn mẫu xét nghiệm tốn kém chi phí, tuy nhiên với sự liên kết của nhiều hộ thì chi phí phát sinh không đáng kể; bù lại trong quá trình nuôi đảm bảo an toàn, ít xảy ra rũi ro. Với mật độ nuôi 01 ha từ 12.000 đến 13.000 con theo mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, vụ tôm đầu năm 2019, có những con nước anh thu hoạch trên 30 triệu đồng.
UBND huyện Cái Nước tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất cho cán bộ chủ chốt, lãnh đạo các xã thị trấn và 93 ấp khóm trong huyện
Không riêng xã Phú Hưng, hiện nay hầu hết các xã thị trấn trong huyện, đại đa số nhân dân đều chọn mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh cải tiến 2 giai đoạn để phát triển sản xuất. Các địa phương cũng đã củng cố và thành lập các tổ hợp tác và HTX gắn với nhân rộng mô hình này để thúc đẩy sản xuất phát triển. Điển hình như xã Phú Hưng, Đông Hưng, Đông Thới và Trần Thới,…
Để tạo điều kiện cho các địa phương hỗ trợ nhân dân nhân rộng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, cùng với công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, năm 2018 huyện Cái Nước đã đầu tư thí điểm cho mổi xã thị trấn một ao vèo tập trung, giúp nhân dân liên kết trong khâu vèo tôm giống. Riêng xã Đông Thới được tỉnh và huyện đầu tư 04 bể gièo tôm hai giai đoạn do. Bình quân mổi năm 04 bể vèo tôm giống, hàng năm cung ứng khoảng 15 triệu con giống phục vụ sản xuất của nhân dân. Từ các bể vèo thí điểm, nhân dân học hỏi và tự tạo ao vèo để phục vụ sản xuất của gia đình.
Từ các mô hình điểm, hiện nay mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh cải tiến 2 giai đoạn đã trở thành hướng sản xuất chủ đạo trong nuôi trồng thuỷ sản của huyện Cái Nước. Theo kế hoạch, năm 2019 huyện Cái Nước sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình, phấn đấu đạt tổng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lên 21.500 ha./.