Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, huyện Cái Nước tập trung chỉ đạo quy hoạch lại sản xuất, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đa canh. Qua tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để Nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm đối với ba ngành hàng chủ lực của huyện, đó là tôm, cua và sò huyết.
Nông dân xã Tân Hưng thu hoạch tôm thâm canh
Trên cơ sở quy hoạch, bố trí lại sản xuất, đầu tư có trọng tâm, năm qua mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tiếp tục phát triển mạnh. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ nuôi tôm công nghiệp truyền thống sang nuôi tôm siêu thâm canh, chuyển từ ao đất sang ao lót bạc, nâng cao năng suất tôm nuôi trung bình từ 7 tấn lên 45 tấn/ha/vụ. HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng không ngừng cải tiến phương pháp nuôi, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, tiếp tục khẳng định vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của huyện Cái Nước.
Tại xã Hoà Mỹ, HTX Cái Bát cũng đã chủ động tạo dựng mối liên kết với các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, giúp giảm chí phí đầu vào, nâng cao hiệu quả đầu ra sản phẩm, đem lại lợi nhuận cao cho xã viên. Đây là một trong các HTX đầu tiên của huyện Cái Nước xây dựng vùng nuôi tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC, được chọn đầu tư trụ sở theo đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng băng sông Cửu Long”. Tại HTX Hoàng Mỹ, nhiều hộ nuôi tôm thâm canh còn lựa chọn phương pháp nuôi sú theo quy trình nuôi tôm sạch để bán tôm oxy, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Phạm Văn Hoàng, Giám đốc HTX nuôi tôm Hoàng Mỹ, ấp Thị Tường xã Hoà Mỹ là hộ tiên phong thực hiện mô hình nuôi tôm oxy, giúp nâng cao giá trị sản phẩm từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg so với tôm sú muối nước đá.
Nông dân xã Hoà Mỹ thu hoạch tôm oxy
Cùng với thế mạnh nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, huyện Cái Nước chú trọng phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến với tổng diện tích 20.500 ha, xem đây là hướng đi chủ đạo trong sản xuất thuỷ sản của huyện, bởi mô hình này không đòi hỏi vốn đầu tư lớn và kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ sản xuất của đại đa số nông dân. Theo đó, năm 2018, huyện Cái Nước cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn, triển khai đầu tư thí điểm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, bước đầu phát huy được hiệu quả, mở ra hướng sản xuất bền vững cho nông dân. Cùng với con tôm, nông dân huyện Cái Nước còn nuôi cua xen canh trên hầu hết diện tích đất sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thị trấn Cái Nước tận dụng diện tích vườn tạp trồng màu
Tại các xã Phú Hưng, Thạnh Phú và Hoà Mỹ, nhiều hộ dân còn chủ động ngăn mặn, giữ ngọt thực hiện mô hình lúa tôm kết hợp. Thông qua mô hình này, đã góp phần cải tạo môi trường, giúp nuôi tôm đạt hiệu quả. Cũng trên diện tích đất trồng lúa, hai năm qua, mô hình nuôi tôm càng xanh cũng được hình thành phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Đối với các xã Đông Thới, Trần Thới, Đông Hưng, Tân Hưng và thị trấn Cái Nước, nhân dân còn mở rộng diện tích nuôi Sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm với diện tích 3.000 ha, đem lại hiệu quả kinh tế từ 30-50 triệu đồng/ha/vụ.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ngày càng phát triển mạnh
Ngoài ra, tuỳ theo điều kiện tự nhiên, nhân dân huyện Cái Nước còn tận dụng diện tích đất hoang, vườn tạp nuôi cá chình, cá bống tượng, trồng rau màu, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác, khắc phục tình trạng độc canh con tôm như trước đây. Thông qua mô hình sản xuất đa canh, nhiều hộ nông dân đã khá lên và làm giàu trên mãnh vườn, thửa ruộng của mình.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, vận dụng mô hình nuôi hợp lý, năm 2018 huyện Cái Nước đạt tổng sản lượng thuỷ sản 43.500 tấn, tăng 3.700 tấn so với năm 2015. Huyện Cái Nước từng bươc hình thành được các vùng nuôi tập trung gắn với thế mạnh của từng địa phương và đối tượng nuôi chủ lực; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thuỷ sản phát triển, trở thành vùng kinh tế nội địa trọng địa ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Cà Mau./.