Là xã có diện tích khá rộng, để có được lộ giao thông nông thôn nối liền 10/10 ấp với chiều dài trên 80.000 km, nhiều năm qua chính quyền và Nhân dân Phú Hưng không ngừng nỗ lực để xây dựng, nâng cấp lộ giao thông nông thôn phục vụ đi lại, học hành của người dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu cho biết, sau thời gian dài đưa vào sử dụng, gần như toàn bộ những tuyến lộ bê-tông (chủ yếu 1,5 m) được làm trước năm 2008 đều hư hỏng, có những đoạn không còn đi được. Nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp khá lớn, đồng thời việc sửa chữa theo kiểu chắp vá bằng bê-tông cũng không sử dụng được bao lâu, còn gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Từ những khó khăn thực tế, xã thống nhất cho thử nghiệm thay thế bê-tông bằng đá mi và nhựa. Đoạn đầu tiên được áp dụng là tuyến nối từ Quốc lộ 1 vào sông Cái Rắn khoảng 1.200 m. Đây là đoạn đường công cộng phục vụ phần lớn việc đi lại cho người dân, nhất là học sinh trên địa bàn xã. Ông Sáu chia sẻ, cách làm này thuận tiện là sửa xong người dân có thể đi lại được ngay, không xảy ra tình trạng ách tắc đường.
Sau hiệu quả bước đầu, tuyến Ngọn Cạy, dài trên 5 km mà người dân nơi đây thường đặt cho nó cái tên là “con đường đau khổ” bởi tình trạng hư hỏng khá nặng, nhiều đoạn không còn đi lại được, được “sửa chữa” bằng nhựa và đá mi. Ông Sáu cho biết, từ hiệu quả của đoạn đường đầu tiên, khi triển khai sửa chữa nâng cấp tuyến lộ này, người dân đồng thuận rất cao. Sự đồng thuận của người dân không chỉ thể hiện trong việc chi trả tiền công cho đội sửa chữa mà bà con còn ủng hộ củi để nấu nhựa, góp công cùng đội sửa chữa…
Để đảm bảo việc sửa chữa đúng tiến độ cũng như đạt hiệu quả, xã thành lập tổ phụ trách, trong đó cơ cấu 1 thành viên có chuyên môn trong xây dựng lộ. Về kinh phí, xã cũng áp dụng theo kiểu truyền thống là Nhà nước và Nhân cùng làm, với tỷ lệ 50/50, tức Nhà nước đầu tư vật tư (nhựa, đá mi), người dân chịu tiền công. Theo tính toán, 1 thùng đá mi (20 lít) cần khoảng 3 kg nhựa, có giá khoảng 30.000 đồng và tiền công cho việc vận chuyển vật tư để tiến hành tu sửa xong cũng khoảng 30.000 đồng.
Chỉ trong vòng hơn 2 năm triển khai, toàn xã đã sửa chữa trên 9,4 km lộ, tổng kinh phí trên 110 triệu đồng. Ông Sáu cho biết, đến thời điểm này, gần như toàn bộ lộ bê-tông làm trước kia (năm 2008) đã được sửa chữa qua một lượt, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, dễ dàng hơn. Việc sửa chữa tiếp tục được duy trì trong suốt mùa khô và thường xuyên. Ông Sáu nói vui, với tiến độ này chắc vài năm nữa toàn bộ tuyến giao thông nông thôn sẽ thành lộ nhựa.
Tuy chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào về việc sửa chữa lộ bê-tông bằng nhựa và đá mi, nhưng từ thực tế và hiệu quả sau thời gian sử dụng cho thấy, đây là cách làm mới cần được quan tâm nghiên cứu. Về phía địa phương, ông Sáu cho biết, sẽ tranh thủ mọi nguồn kinh phí cũng như tập trung chỉ đạo không chỉ cho việc nâng cấp, sửa chữa lộ nông thôn mà trên tất cả các lĩnh vực, với quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng xã nông thôn mới./.