Cua nuôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại cho nông dân
Để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng tôm, cua nuôi kết hợp trong vuông tôm bị chết trong thời gian tới, đồng thời ngăn chặn không để mầm bệnh lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải tạo vuông nuôi, chọn con giống và chăm sóc quản lý.
Giải pháp cải tạo vuông nuôi:
Để xử lý các chất hữu cơ lắng tụ trong thời gian dài trên bề mặt kênh và vuông nuôi, bà con nông dân cần phải dọn vệ sinh, tạo thông thoáng kênh mương bằng cách sên vét lớp bùn dưới đáy kênh để tránh hiện tượng dơ đáy, dẫn đến phát sinh các khí độc như: NH3, H2S. Việc cải tạo vuông nuôi nhằm tạo nên lớp đất mới cho tảo, các sinh vật có ích phát triển, tạo thêm thức ăn tự nhiên cho tôm cua.
Sau khi sên vét cần tháo rửa vuông nuôi từ 1 đến 2 lần. Tiến hành phơi vuông từ 5 đến 10 ngày để mặt đất trảng nứt chân chim và dùng vôi nóng (CaO) rãi đều trên mặt trảng với liều lượng vôi từ 400 đến 500 kg/ha. Sau khi rãi vôi, lấy nước vào vuông nuôi theo chế độ thủy triều đến khi mực nước trên trảng đạt từ 5 đến 6 tấc.
Trước khi thả con giống phải tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường, đảm bảo các chỉ số thích hợp sau đây: độ trong từ 30 đến 40cm; độ kiềm từ 100 - 140 mg/lít; độ mặn từ 10-25%o; độ pH từ 7,5 - 8,5; Oxy hòa tan lớn hơn 4 mg/lít; chỉ số H2S nhỏ hơn 0,01 mg/lít; chỉ số NH3 nhỏ hơn 0,1mg/lít.
Cách chọn con giống:
Bà con nông dân nên chọn những cơ sở, công ty cung ứng con giống có uy tín, chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Con giống khỏe mạnh có kích cỡ lớn, được ương dưỡng nuôi 2 đến 3 giai đoạn.
Mật độ thả con giống:
Đối với mô hình nuôi cua kết hợp với nuôi tôm quảng canh cải tiến, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo người nuôi thả giống với mật độ nuôi ban đầu từ 0,2 - 0,5 con/m2. Sau thời gian thả lần đầu từ 1,5 đến 2 tháng, tiến hành thả bổ sung với mật độ 0,1con/m2 cho lần kế tiếp. Khuyến khích bà con nên thả con giống có kích cỡ lớn, để con giống có khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường, đảm bảo tăng trưởng tốt.
Khâu chăm sóc và quản lý:
Trong quá trình nuôi, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôm và cua nuôi. Kiểm tra các yếu tố môi trường nước nnhư nhiệt độ, độ mặn, độ pH, độ kiềm, khí độc H2S, NH3...
Bà con nông dân tranh thủ thu hoạch cua nuôi để tránh thiệt hại
Kiểm tra tỷ lệ sống của tôm, cua có trong vuông nuôi, để quyết định bổ sung thêm thức ăn cho tôm, cua khi cần thiết. Dùng cá tươi cho cua ăn bổ sung với liều lượng từ 1 đến 2% trọng lượng tôm, cua trong vuông nuôi, cho ăn một lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, cần bổ sung thêm nguồn nước cho vuông nuôi, để duy trì và ổn định môi trường nước trong vuông nuôi.
Tôm, cua nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch hoặc phát hiện có dịch bệnh xảy ra cần thu hoạch ngay để giảm thiệt hại và tránh dịch bệnh lây lan. Khi có dịch bệnh xảy ra, bà con nông dân phải báo ngay cho lực lượng Thú y hoặc cán bộ phụ trách Khuyến nông cơ sở để được hướng dẫn xử lý kịp thời, không nên dấu dịch bệnh, làm cho mầm bệnh phát tán trên diện rộng./.