Huyện Cái Nước hiện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 30.000 ha, trong đó có 2.000 ha ao đầm nuôi thâm canh, hơn 30 ha nuôi tôm siêu thâm canh, còn lại là diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống. Đây được xem là thế mạnh của địa phương, nhưng thời gian gần đây giá tôm nguyên liệu trên thị trường sụt giảm khá mạnh, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được thương lái đến tậng ao đầm thu mua với giá trên dưới 80 ngàn đồng/kg, giảm từ 25 đến 30 ngàn đồng so với thời điểm cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản không giảm, mà còn có xu hướng tăng lên và tùy theo từng mặt hàng. Chủ yếu thức ăn và thuốc phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để nuôi được 1kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu loại 100 con/kg, người nuôi tôm phải đầu tư khoảng 70 ngàn đồng chi phí, bao gồm thức ăn công nghiệp cho tôm, tiền điện chạy quạt tạo ô xy, hóa chất xử lý ao đầm, chi phí cải tạo ao đầm, chưa kể đến khấu hao trang thiết bị máy móc và công lao động. Nhưng với giá tôm nguyên liệu trên thị trường sụt giảm như hiện nay, trừ chi phí sản xuất người nuôi tôm chỉ hoàn vốn, còn đối với những trường hợp không có vốn đầu tư phải vay mượn bên ngoài xem như bị thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Ông Nguyễn Văn Chắc ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân, là hộ dân có thâm niên nuôi tôm thâm canh than thở.
Ông Huỳnh Diện giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao (bên trái) bức xúc việc phân loại để định giá tôm nguyên liệu
Không riêng những hộ nuôi tôm thâm canh, mà ngay cả những hộ nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh cũng đang đối mặt với khó khăn, do bất cập trong khâu phân loại tôm để định giá thu mua. Ông Huỳnh Diện giám đốc Hợp tác xã nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng cho biết: Nếu như năm 2017, giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg, bán được với giá trên 200 ngàn đồng/kg, nay thương lái chỉ thu mua khoảng 140 ngàn đồng/kg, sụt giảm 60 ngàn đồng so với cùng kỳ. Như vậy, vào thời điểm này xã viên Hợp tác xã lên hầm tôm có diện tích 1.600m2, sản lượng tôm nuôi thu hoạch được ít nhất cũng 07 tấn, xã viên mất ít nhất 400 triệu đồng do giá tôm sụt giảm, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của xã viên Hợp tác xã.
Điều nghịch lý khó hiểu trong việc phân loại tôm để định giá thu mua hiện nay là tôm có trọng lượng càng lớn giá thu mua càng thấp và ngược lại. Điều này trái ngược với quy luật thị trường trước đây. Cụ thể, tôm thể chân trắng loại 90 đến 120 con/kg được thương lái mua với giá trên dưới 80 ngàn đồng/kg, giảm từ 25 đến 30 ngàn đồng so với cùng kỳ năm 2017, còn tôm loại 30 con/kg chỉ thu mua với giá khoảng 140 ngàn đồng giảm hơn 60 ngàn đồng. Chính từ bất cập này mà một diện tích tôm nuôi thâm canh và siêu thâm canh có trọng lượng lớn đến đến kỳ thu hoạch, nông dân phải neo đầm chờ giá.
Đề cập vấn đề này, ông Dư Hoàng Nam, Chủ tịch Hội nuôi trồng thủy sản huyện Cái Nước khuyến cáo: Thời gian qua giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm khá mạnh, người nuôi tôm cần phải nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, lên hầm xuất bán tôm nuôi một cách hợp lý để có lãi và cải tạo ao đầm thả nuôi vụ tiếp theo, hạn chế bị thua lỗ do giá tôm nguyên liệu trên thị trường bấp bênh như hiện nay./.