Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet, anh Võ Xuân Khánh rất đam mê nghề nuôi ong lấy mật. Trong một lần về quê ở Hậu Giang, được tận mắt chứng kiến nghề nuôi ong ruồi, anh Khánh quyết định mua 2 thùng ong giống mang về nuôi thử nghiệm.
Anh Võ Xuân Khánh, Bí thư Chi đoàn ấp Rau Dừa C, xã Hòa Mỹ giới thiệu mô hình nuôi ong ruồi lấy mật
Từ 2 thùng ong giống ban đầu, sau 6 tháng nhân nuôi, anh Khánh đã tái đàn được 7 thùng ong để lấy mật. Lúc đầu anh nuôi trong thùng gỗ. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, anh Khánh đã sáng chế, sử dụng thùng xốp dùng đựng tôm giống để làm thùng nuôi ong. Cách làm này vừa nhanh, dễ làm, vừa tiết kiệm được chi phí. Thực tế qua 6 tháng nuôi, 7 thùng ong của anh Khánh đã cho hiệu quả và sinh lời. Lượng mật đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin dùng và không đảm bảo đủ cung ứng.
Anh Võ Xuân Khánh kiểm tra kèo ong
Trung bình mổi thùng xốp diện tích 30 x 45cm, người nuôi có thể bố trí được tối đa 8 kèo ong, mổi kèo ong nếu đủ lượng mật sẽ cho thu hoạch hơn nửa xị. Hiện tại giá mật ong ruồi trên thị trường dao động từ 600.000-800.000 đồng/lít, nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Anh Khánh cho biết, mùa khô, hàng tháng mổi thùng ong lấy mật được 3 lần, mổi lần lấy tương đương một lít mật; còn mùa mưa mổi tháng lấy một lần. Vì vậy, nuôi ong là nghề một vốn bốn lời, cho nên anh dự định mở rộng quy mô để nhân rộng mô hình. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2018, anh Khánh sẽ nhân thêm 13 thùng ong mới.
Anh Khánh sử dụng thùng xốp thay thế thùng gỗ để nuôi ong
Với những gì đã làm được, anh Khánh khẳng định: Nuôi ong là một nghề rất thích hợp với đoàn viên thanh niên, bởi mô hình này vốn đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không tốn công chăm sóc, thân thiện với môi trường. Vì vậy, anh Võ Xuân Khánh không ngần ngại chỉ dẫn cho đoàn viên thanh niên trong huyện cùng tham gia để phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau lập thân lập nghiệp.
Cùng với nuôi ong, anh Võ Xuân Khánh còn thực hiện thành công mô hình nuôi rắn Ri tượng
Ngoài nuôi ong lấy mật, anh Võ Xuân Khánh, Bí thư Chi Đoàn ấp Rau Dừa C, xã Hoà Mỹ còn thực hiện thành công mô hình nuôi rắn Ri tượng sinh sản và nuôi rắn thương phẩm. Cả hai mô hình này đều không đòi hỏi diện tích đất sản xuất lớn nhưng đều cho hiệu quả kinh tế cao./.